Độc đáo Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông lần thứ I
Nội dung chương trình của lễ hội sẽ xoay quanh các hoạt động chính bao gồm: Chương trình khai mạc và bế mạc (lồng ghép sân khấu hóa các truyền thuyết, sử thi của các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông); Thi dệt thổ cẩm; Trình diễn trang phục truyền thống và thời trang; Tổ chức hội nghị, tọa đàm về văn hóa thổ cẩm; Hội chợ thương mại về sản phẩm thổ cẩm, trang phục truyền thống và thời trang; Tổ chức ẩm thực và một số trò chơi dân gian...
Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy hoa văn, trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung và trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng; đồng thời giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hoa văn, trang phục truyền thống, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch và các giá trị di sản văn hóa các dân tộc của tỉnh Đắk Nông trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Đây cũng là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân các dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông trong việc bảo tồn và phát huy hoa văn, trang phục truyền thống của mỗi dân tộc trong đời sống hằng ngày; tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc thiểu số trong tỉnh và cả nước giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó…; động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của hoa văn, trang phục truyền thống.
Theo dự kiến, ở những năm tiếp theo lễ hội sẽ được tổ chức định kỳ 02 năm/lần tại Thị xã Gia Nghĩa. Đồng thời, quy mô của lễ hội sẽ được mở rộng dần với việc mời thêm nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tiến tới mời một số nước trên thế giới tham gia vào lễ hội.
Trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và cả nước nói chúng rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, chủng loại, màu sắc, đường nét, đậm đà bản sắc, giàu biểu tượng biểu đạt các giá trị nhân văn, đó là quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan, các giá trị về phong tục tập quán, kỹ thuật trang trí hoa văn, bố cục đường nét, màu sắc trên vải… Đây là di sản văn hóa quý giá cần được bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua trước xu thế phát triển và hội nhập mang tính toàn cầu, di sản này dần bị mai một. Vì vậy, việc tổ chức “Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại Đắk Nông” sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng của trnag phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam./.