Hoạt động của ngành

Khai thác tiềm năng du lịch Hà Nội: Mở hướng ra ngoại thành

Cập nhật: 08/06/2018 09:54:47
Số lần đọc: 669
Theo Sở Du lịch Hà Nội, ước tính 6 tháng đầu năm 2018 Hà Nội sẽ đón khoảng 13,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Đó là con số đáng khích lệ. Tuy nhiên, số lượng khách sẽ còn tăng nếu Hà Nội tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng về mọi mặt, đặc biệt là chú ý khai thác các điểm đến ở ngoại thành.


Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) là địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế. Ảnh: Bá Hoạt

Từ phát triển du lịch ở Sóc Sơn, Ba Vì...

Giữa tháng 5/2018, các doanh nghiệp lữ hành, Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam đã khảo sát các điểm du lịch tại Sóc Sơn. Sau chuyến đi, nhiều người tỏ ý ngạc nhiên về tiềm năng du lịch của các điểm đến như đền Sóc, chùa Non Nước, khu sinh thái Bản Rõm… Đó là số ít trong hàng loạt điểm đến mà Sóc Sơn có thể giới thiệu với du khách như hồ Đồng Quan, hồ Kẻo Cà, thung lũng Xanh, núi Đôi, núi Hàm Lợn… Ngoài ra, hệ thống giao thông từ trung tâm thành phố đến các điểm trên cũng thuận tiện. Tham gia chuyến khảo sát, ông Emmanuel Cerise, Giám đốc Cơ quan Hỗ trợ hợp tác quốc tế vùng Paris tại Việt Nam chia sẻ: “Trở lại Sóc Sơn lần thứ hai sau hơn 15 năm, tôi đặc biệt ấn tượng vì nơi đây vẫn giữ được không gian, cảnh quan đặc sắc. Khu Tượng đài Thánh Gióng, đền Sóc, chùa Non Nước, Học viện Phật giáo gây ấn tượng mạnh với tôi. Giá trị văn hóa tâm linh, cảnh quan cuốn hút, khác biệt hoàn toàn so với Châu Âu”.

Các doanh nghiệp lữ hành nhận xét rằng Sóc Sơn hội tụ giá trị về cảnh quan, văn hóa tâm linh để tạo nên sản phẩm du lịch mang tính đặc thù... Lẽ ra, với nhiều yếu tố thuận lợi đó sẽ phải có nhiều du khách biết tới Sóc Sơn thay vì số lượng hạn chế như hiện nay. Theo ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn, địa phương nhận ra thế mạnh du lịch nhưng gặp khó bởi điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Trong khi đó, khi đến xã Minh Quang (Ba Vì) cùng người viết để xem người dân tập bắn nỏ, anh Lương Văn Tuân, Giám đốc Công ty lữ hành Vietbeauty nảy ra ý tưởng xây dựng một tour du lịch trong ngày ở ngay Ba Vì. Du khách có thể đến Khu di tích K9 - Đá Chông rồi tới đền Hạ nổi tiếng linh thiêng, đi thêm vài cây số nữa là tới Minh Quang để cùng trải nghiệm môn bắn nỏ với người dân địa phương, điểm đến cuối cùng là xã Thuần Mỹ để tắm khoáng trước khi trở về Hà Nội. Từ một chuyến đi cho “biết đây, biết đó” mà doanh nghiệp đã “vẽ” nên một hành trình tour khá cuốn hút. Theo anh Lương Văn Tuân, Ba Vì sở hữu nguồn tài nguyên du lịch sinh thái, du lịch tâm linh dồi dào. Nguồn tài nguyên rừng cây, hồ nước tại Ba Vì giúp tạo nên những tour nghỉ dưỡng kết hợp chèo thuyền, thăm Vườn quốc gia Ba Vì… Vấn đề là việc khai thác nguồn lực của Ba Vì còn hạn chế bởi đang chờ Quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia Ba Vì - Suối Hai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đi vào hiện thực.

Câu chuyện ở Sóc Sơn và Ba Vì là ví dụ cho thấy tiềm năng du lịch Hà Nội rất dồi dào nhưng chưa được khai thác triệt để. Theo ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist, du khách chú ý nhiều đến khu phố cổ, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng cổ Đường Lâm, làng nghề Bát Tràng, Vạn Phúc..., những điểm đến giá trị khác đang trong tình trạng “ngủ yên”.

... đến mở rộng phạm vi khai thác

Theo kết quả điều tra sơ bộ của Cục Thống kê Hà Nội vào cuối năm 2017, mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế có lưu trú tại Hà Nội là 2.215.840 đồng/khách/ngày; với khách quốc tế tham quan trong ngày là 1.865.030 đồng/ khách/ngày; khách nội địa có lưu trú là 1.693.440 đồng/khách/ngày; khách nội địa tham quan trong ngày là 1.103.650 đồng/khách/ngày. Thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế là 3,64 ngày, khách nội địa là 2,12 ngày. Theo các doanh nghiệp lữ hành, nếu có thêm nhiều sản phẩm du lịch thì số tiền chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách sẽ cao hơn.

Ông Phùng Quang Thắng lập luận: “Cần kết nối các điểm đến thành một hệ thống, qua đó gián tiếp “điều phối” lượng khách một cách hợp lý. Các điểm đến quen thuộc sẽ không bị quá tải, chất lượng dịch vụ được bảo đảm. Muốn vậy thì cần có giải pháp tổng thể”. Còn theo Giám đốc Công ty Vietbeauty Lương Văn Tuân, đã đến lúc khai thác mạnh hơn nữa ở khu vực ngoại thành, nhất là những vùng có nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá như Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ… thay vì chỉ chú trọng ở khu trung tâm thành phố. Khai thác tốt tiềm năng ở ngoại thành sẽ giúp du lịch Hà Nội có bước tăng trưởng ấn tượng.

Muốn đưa nhiều khách tới Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn…, cần tăng cường công tác truyền thông. Thực tế cho thấy, lượng khách đến Hà Nội liên tục tăng trong thời gian qua cũng bắt nguồn từ những giải pháp truyền thông mang tính đột phá của thành phố, trong đó có chương trình hợp tác quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh truyền hình CNN.

Tiềm năng du lịch của Hà Nội rất lớn, không chỉ có một số điểm đến quen thuộc trong nội thành và một vài làng nghề truyền thống. Việc mở rộng phạm vi, quy mô khai thác du lịch không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút một lượng khách lớn hơn, cho số thu nhiều hơn, mà còn nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Thủ đô, tiềm năng du lịch Hà Nội, tạo cơ sở cho sự phát triển bền vững./.

Nguồn: hanoimoi.com.vn

Cùng chuyên mục