Du lịch Quảng Bình như viên kim cương cần được gìn giữ
Đại diện Sở Du lịch và các doanh nghiệp TP HCM đã có nhiều góp ý thẳng thắn cho du lịch Quảng Bình
Chuyên nghiệp hóa nhân lực du lịch
Đoàn công tác của Sở Du lịch cùng hơn 40 doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ quan thông tấn, báo chí TP. HCM đã có chuyến khảo sát các điểm đến nổi bật tại Quảng Bình. Mục tiêu của chuyến công tác là đánh giá kết quả khảo sát; trao đổi, thảo luận về các sản phẩm, dịch vụ du lịch Quảng Bình; tạo cơ hội cho doanh nghiệp hai địa phương kết nối, hợp tác.
Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. HCM, năm 2017, TP. HCM đã đón khoảng 6,4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22,8% so với năm 2016. Tổng số du khách nội địa đến TP. HCM ước đạt 24,9 triệu lượt, tăng 14,6%. Doanh thu năm 2017 của ngành du lịch cũng tăng 12,6%, ước đạt 115,9 nghìn tỷ đồng. TP. HCM cũng là trung tâm luân chuyển khách hàng đầu đến Quảng Bình mỗi năm, với tỷ lệ bình quân hơn 50% trong cơ cấu khách.
“Sau nhiều năm trở lại Quảng Bình, tôi nhận thấy du lịch Quảng Bình đã phát triển hơn rất nhiều so với nhiều năm trước, đặc biệt là cơ sở hạ tầng phục vụ du khách. Tuy nhiên, việc cần làm của du lịch Quảng Bình là nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ du khách, nhất là đội ngũ nhân lực. Du lịch không thể tiếp tục phát triển và nâng cao giá trị thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ nếu đội ngũ thiếu chuyên nghiệp”, ông Khánh thẳng thắn chia sẻ.
Quảng Bình hiện là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của các nhà đầu tư du lịch với hơn 30 dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp đang triển khai, chuẩn bị đưa vào sử dụng cùng một số dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển sẽ triển khai trong năm 2019. Hoạt động du lịch cộng đồng cũng đang phát triển bền vững với nhiều mô hình điểm du lịch, hostel, homestay, farmstay có kiến trúc độc đáo, thân thiện môi trường, đa dạng dịch vụ phục vụ khách du lịch.
uy nhiên, theo đại diện của Bến Thành Tourist, chất lượng nhân viên du lịch tại một số cơ sở lưu trú vẫn chưa đáp ứng đầy đủ và bắt kịp với sự phát triển hạ tầng. “Chúng tôi muốn đưa khách đến với Quảng Bình, nhưng cái khó là đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) ở Quảng Bình phần lớn nói giọng địa phương.
Theo chia sẻ của khách, trong quá trình được HDV thuyết minh giới thiệu điểm đến, họ chỉ nghe và hiểu được hơn 50% nội dung mà thôi. Điều đó cũng làm giảm đi tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch”, ông Cao Tùng, Giám đốc khối nội địa Bến Thành Tourist cho biết thêm.
Với 20 năm hình thành và phát triển, TST Tourist là một trong những công ty lữ hành hàng đầu Việt Nam và được khách hàng bình chọn là công ty lữ hành chuyên tour châu Âu với chất lượng dịch vụ chuẩn 4 sao. Theo ông Vĩnh Anh, đại diện TST Tourist, hơn 1/3 lượng khách nội địa của TST là đến các điểm du lịch miền Trung, trong đó có Quảng Bình.
Nhưng, đại diện này khẳng định, qua quá trình khảo sát các điểm đến tại Quảng Bình, việc ông không mấy hài lòng là ý thức của nhân viên phục vụ tại một số điểm du lịch. “Hướng dẫn viên thấy rác ngay dưới chân mình nhưng lại không cúi xuống nhặt, vậy thì làm sao yêu cầu khách có ý thức giữ vệ sinh? Chúng ta đào tạo nhân lực cần phải đồng đều và chuyên sâu là vậy”, ông Vĩnh Anh góp ý.
Trường đại học Công nghệ là trường đại học đầu tiên của TP. HCM đào tạo thạc sỹ chuyên ngành du lịch. Tham dự buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Phó trưởng khoa Quản trị Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn cho biết, trình độ và nhu cầu của khách du lịch ngày càng cao, điều đó đòi hỏi trình độ của nhân sự phục vụ du lịch cũng phải không ngừng cải thiện. Cùng với ngành du lịch TP. HCM, Trường đại học Công nghệ sẽ hỗ trợ Quảng Bình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân sự du lịch, hướng đến sự chuyên nghiệp, hiệu quả.
Gắn du lịch với bảo tồn văn hóa
Theo chia sẻ của đại diện các công ty lữ hành TP. HCM, khách du lịch khi đến với một vùng đất không đơn thuần là khám phá vẻ đẹp thiên nhiên mà còn muốn trải nghiệm văn hóa bản địa. Vậy nhưng, điều khiến những công ty có nhiều năm kinh nghiệm trong xây dựng tour, tuyến du lịch này e ngại là Quảng Bình, ngoài vẻ đẹp thiên nhiên ưu ái ban tặng thì còn thiếu những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng.
Trên cơ sở bền vững hơn 20 năm hình thành và phát triển, Viettravel đang hướng đến mục tiêu trở thành 1 trong 10 tập đoàn lữ hành hàng đầu khu vực Châu Á và là công ty đa quốc gia vào năm 2020.
Với bề dày kinh nghiệm đó, đại diện của Viettravel thẳng thắn cho rằng, du lịch Quảng Bình ngoài việc đầu tư quảng bá hình ảnh, tăng tính an toàn tại các điểm du lịch khám phá thì cần chú trọng lồng ghép các sản phẩm văn hóa vào các sản phẩm du lịch.
“Quảng Bình là vùng đất giàu văn hóa, đặc biệt là có rất nhiều làn điệu dân ca truyền thống. Vì sao chúng ta không biến các loại hình văn hóa đặc trưng ấy thành sản phẩm du lịch để phục vụ du khách? Kinh nghiệm dẫn khách đi các địa phương cho chúng tôi thấy rằng tỉnh nào chú trọng phát triển văn hóa gắn với du lịch, tỉnh đó thu hút được khách lưu trú dài ngày”, đại diện Viettravel khẳng định.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty du lịch TST cho hay, nhiều khách du lịch của TST đến Đồng Hới đều chia sẻ rằng thành phố về đêm rất buồn khi thiếu sản phẩm du lịch níu chân du khách. “Khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài họ rất hào hứng với việc được hòa mình vào các trò chơi dân gian. Thực tế tại các địa phương, như: Hội An, Quy Nhơn... thu hút được du khách, bởi đã xây dựng được các sân chơi từ chính đặc trưng văn hóa vùng miền. Điều đó cũng góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống”, đại diện TST chia sẻ thêm.
Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, ông Trương Minh Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch TP. HCM cho rằng, Quảng Bình cần đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng các lễ hội. Được ví như “Vương quốc hang động’, với Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới cùng với hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, Quảng Bình cần nâng lễ hội hang động lên thành lễ hội mang tầm quốc tế. Đó chắc chắn sẽ là cơ hội nâng tầm du lịch Quảng Bình và thu hút khách quốc tế nhiều hơn.
Cùng với việc thẳng thắn góp ý và đề xuất các giải pháp tăng cường kết nối, phát triển các sản phẩm du lịch giữa hai địa phương, các doanh nghiệp Quảng Bình và TP. HCM đã trao đổi, liên kết, tìm cơ hội hợp tác và ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ.
“Chúng tôi ví du lịch Quảng Bình như một viên kim cương. Nó không còn ở đáy biển sâu mà đã được phát hiện. Việc chúng ta cần làm là gìn giữ cho viên kim cương ấy tỏa sáng mãi”, đại diện Sở Du lịch TP. HCM hào hứng chia sẻ./.