Bài Chòi: Từ trò chơi dân gian đến sản phẩm du lịch
Trò chơi dân gian...
Bài Chòi là trò chơi dân gian của cộng đồng dân cư các tỉnh miền Trung, thường được tổ chức vào dịp lễ, Tết. Khi chơi, người ta dựng 10 chòi con và 1 chòi chính giữa - còn gọi là chòi cái. Người chơi bài ngồi trên các chòi con, người điều khiển là anh Hiệu hoặc chị Hiệu, đứng ở chòi cái. Anh/chị Hiệu vừa chia bài, vừa điều khiển cuộc chơi bằng cách ứng khẩu diễn xướng duyên dáng và hài hước những bài thơ, vè, ca dao đúng các làn điệu dân ca địa phương. Vì vậy, chuyện thắng thua ở Bài Chòi dần không còn quan trọng, người ta tham dự hội Bài Chòi phần lớn để thưởng thức không gian diễn xướng dân gian.
Nội dung các câu hát trong Bài Chòi thường phản ánh tư duy, quan niệm sống của cư dân nông nghiệp vùng Trung bộ. Đó có thể là lời ngợi ca về tình làng nghĩa xóm, yêu quê hương đất nước, tình cảm gia đình, cách đối nhân xử thế, hay phê phán những thói hư, tật xấu. Về phương diện âm nhạc, lời hô hát Bài Chòi thường có 4 làn điệu chính: xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hò quảng; kết hợp với các điệu hát ru, lý, hò khoan. Hai nhạc cụ thường sử dụng là trống cái và đàn nhị. Khi trình diễn, Bài Chòi được xây dựng kịch bản rõ ràng, diễn xướng phối hợp ăn ý tạo nên không gian náo nức, rộn ràng.
... trở thành “đặc sản” du lịch
Khi đến Hội An, du khách thường theo tiếng trống hội rộn rã, những lời hô xướng, mời gọi mở hàng của anh Hiệu, chị Hiệu; mà tập trung về công viên bên bờ sông Hoài. Sau lời hát mở màn, anh Hiệu, chị Hiệu hô hát giới thiệu các quân bài. Bộ bài gồm có 30 lá chia thành 10 loại thẻ gỗ. Người chơi được vào ngồi trong những chòi nhỏ. Từng hồi trống thúc liên hồi, báo hiệu hội bắt đầu, người chơi cầm trong tay 3 con bài tự chọn. Anh Hiệu, chị Hiệu bước ra lấy ống thẻ xóc đi xóc lại rồi chậm rãi rút từng con bài. Mỗi lần như vậy, họ hô câu hát mang tên con bài. Chòi nào giữ quân bài vừa được hô tên thì người chơi cầm cái mõ gõ lên ba tiếng hoặc hô vang “có đây”, sẽ được trao một cờ đuôi nheo nhỏ. Chòi nào ăn đủ 3 con (được 3 cờ) thì hô to “tới”. Ngay lúc này trống ở chòi cái vang lên liên hồi, báo hiệu có người thắng cuộc.
Những hình ảnh này đã trở thành quen thuộc tại Hội An vào mỗi đêm, không gian luôn náo nhiệt và rộn ràng, du khách thì luôn náo nức mong chờ. Bài Chòi dần trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của phố cổ, bởi du khách có thể tương tác, trực tiếp tham gia vào trò chơi. Chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn, du khách được trải nghiệm một không gian văn hóa độc đáo của trình diễn Bài Chòi.
Trước kia, Bài Chòi tưởng chừng đã bị lãng quên. Từ lúc trò chơi dân gian này được trình diễn tại Hội An - khi phố cổ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999 - thì hồi sinh và dần trở thành điểm nhấn của du lịch Hội An. Bài Chòi cũng vừa được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.