Hoạt động của ngành

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Ba Chẽ

Cập nhật: 05/06/2018 09:39:15
Số lần đọc: 931
Hằng năm trên địa bàn huyện Ba Chẽ có các lễ hội: Trà hoa vàng, đình Làng Dạ, Lồng Tồng, Miếu Ông – Miếu Bà... Tại đây, nhiều hoạt động văn hóa như hát Then, hát Páo Dung, thi thêu thổ cẩm... được người dân thể hiện sinh động, đặc sắc.


Phụ nữ dân tộc Dao thi nấu cơm gánh trong lễ hội Miếu Ông - Miếu Bà năm 2018 tại Ba Chẽ.

Nhiều bài hát Then, hát Páo Dung… là do người dân các xã sưu tầm hoặc tự sáng tác ra. Ngay cả các trò chơi trong lễ hội cũng được người dân "tự biên tự diễn" một cách sinh động, phù hợp với dân tộc mình. Như trong lễ hội Miếu Ông – Miếu Bà diễn ra vào trung tuần tháng 4 vừa qua, tôi rất ấn tượng với môn thi nấu cơm gánh do phụ nữ Dao thực hiện. Chị Lý Thị Liên, thôn Lò Vôi, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, cho biết: “Môn thi thể hiện tinh thần người phụ nữ sát cánh cùng chồng con đi đánh giặc. Trên đường hành quân cấp tốc, người phụ nữ vẫn nấu cơm mà không dừng nghỉ, phục vụ chồng con ăn no để có sức chiến đấu. Trước đây, môn thi này thường được các phụ nữ dân tộc kinh thể hiện, thế nhưng khi giặc đến nhà thì đâu chỉ những người kinh ra trận. Vậy là chúng tôi thể hiện môn thi này theo cách riêng của dân tộc mình”.

Xung quanh lễ hội, từng tốp phụ nữ Dao xúng xính trong bộ quần áo mới. Chị Đặng Thị Hương, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ, chia sẻ: “Lễ hội cũng là ngày chị em chúng tôi thể hiện thời trang của dân tộc mình. Bộ quần áo không chỉ đẹp, mà còn thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Dao. Bây giờ, tất cả phụ nữ đều biết thêu thùa, nếu không thì không phải là phụ nữ Dao rồi”. Nếu như trước đây, khi ai đó đến các thôn, bản người dân tộc thiểu số, thấy rất ít người trẻ tuổi mặc quần áo đặc trưng của dân tộc mình, thì nay bộ quần áo dân tộc trở thành niềm tự hào của nhiều chị em, họ có nhiều lý do hơn để thể hiện mình qua các lễ hội, dịp tết, những ngày cưới hỏi, lễ cấp sắc, buổi sinh hoạt văn nghệ thôn, khu… Những năm gần đây, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện đã phối hợp với các cán bộ thôn, bản tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động người dân phát huy bản sắc dân tộc mình. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã phối hợp tổ chức thành công cho hàng trăm học viên ở các xã với các lớp thêu thổ cẩm, hát Soóng Cọ, hát đối Dao Thanh Phán...

Phòng VH – TT huyện còn hướng dẫn thành lập, ban hành quy chế hoạt động các CLB hát Soóng Cọ ở các xã Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn; CLB thêu thổ cẩm ở xã Đạp Thanh, Đồn Đạc; CLB hát Then, đàn Tính xã Đạp Thanh; CLB hát đối xã Đồn Đạc. Để duy trì hoạt động, thành viên các CLB này cũng đã năng động xã hội hóa tạo quỹ, tự tìm tòi sưu tầm các bài hát phù hợp hay mời các nghệ nhân từ các huyện, tỉnh khác đến giảng dạy.

Anh Hoàng Văn Trang, thôn Bắc Cáp là Chủ nhiệm CLB hát Then, đàn Tính xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ, chia sẻ: “CLB của chúng tôi hiện có 20 thành viên, anh em tự nguyện đóng góp kinh phí hoạt động để phát huy giá trị hát Then, đàn Tính giữ gìn văn hóa của dân tộc Tày. Chúng tôi cũng học hỏi, bảo ban nhau luyện tập cho thật thành thục làn điệu hát của cha ông xưa. Bên cạnh đó còn giao lưu, học hỏi cách hát Then của huyện Bình Liêu hay các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn...”. Ở các CLB khác cũng đều có cách làm năng động tương tự để duy trì và phát huy ngày càng hiệu quả hơn những bản sắc văn hoá quý giá mà cha ông xưa để lại./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục