Hoạt động của ngành

Ninh Bình: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch

Cập nhật: 17/05/2018 08:37:08
Số lần đọc: 530
Ninh Bình có lợi thế về vị trí địa lý trong mối liên kết vùng, là cửa ngõ của miền Bắc. Tỉnh còn có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp nổi tiếng và các di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh như: danh thắng Tràng An, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, khu dự trữ sinh quyển đất ngập nước Vân Long, nhà thờ đá Phát Diệm....

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, trong những năm qua, tỉnh ta tập trung thu hút những nhà đầu tư có năng lực thật sự, các dự án có quy mô lớn, có khả năng thúc đẩy nhiều ngành cùng phát triển, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Để đẩy mạnh phát triển du lịch, Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư như: Quyết định số 28/2012/QĐ-UBND ngày 23/11/2012 của UBND tỉnh về ban hành Quy định về chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 13/7/2009 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 07, ngày 17/7/2009 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 15 của Tỉnh ủy; Nghị quyết số 12-NQ/BCSĐ UBND tỉnh, Kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 08/3/2017 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý nhà nước về du lịch và quản lý quy hoạch, khai thác có hiệu quả để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Do vậy hoạt động thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh nói chung và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng. Tính từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút 45 dự án của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch với số vốn đăng ký trên 20 nghìn tỷ đồng.

Tiêu biểu là Dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Cúc Phương, với diện tích 99 ha, thuộc địa bàn 2 xã Cúc Phương, Kỳ Phú (huyện Nho Quan), với tổng số đăng ký gần 750 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng khu dịch vụ, thuộc Trung tâm hội nghị tỉnh, với diện tích 1,8ha tại Trung tâm thành phố Ninh Bình, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái Thung Nham tại xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), với diện tích 33ha, tổng số đăng ký 221 tỷ đồng; Sân Golf 54 lỗ hồ Yên Thắng, với diện tích 673,64 ha, tổng số vốn đăng ký 1.757 tỷ đồng.

Các cơ sở dịch vụ mua sắm, như: siêu thị Big C, siêu thị Vinmart…Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp đã góp phần nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch của tỉnh, tạo các điểm vui chơi giải trí và ăn nghỉ của du khách.

Cùng với công tác “xã hội hóa du lịch”, thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào du lịch, Ninh Bình còn tranh thủ sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, do đó đã có nhiều dự án, công trình văn hóa phục vụ phát triển du lịch được Nhà nước đầu tư trên địa bàn, như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ, tôn tạo di tích Cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành; Dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng đế, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình.

Có thể khẳng định việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch là điều kiện then chốt để nâng cao hiệu quả ngành công nghiệp không khói trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Điển hình như việc Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới là một minh chứng cho thấy đầu tư phát triển hạ tầng du lịch là một hướng đi đúng, trúng. Khách du lịch đã biết đến Ninh Bình ngày càng nhiều hơn, doanh thu từ du lịch năm sau cao hơn năm trước.

Tuy nhiên đánh giá thực tế cho thấy việc thu hút đầu tư vào du lịch tại tỉnh ta vẫn còn nhiều bất cập, đó là hạ tầng kỹ thuật du lịch còn thiếu đồng bộ. Nguồn vốn của các dự án đầu tư du lịch bị ảnh hưởng do Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ; chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa đồng bộ đã tác động không nhỏ đến tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch.

Trong khi đó nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính dẫn tới một số dự án du lịch bị chậm tiến độ (như: một số khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng tại Khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn).

Sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình chủ yếu vẫn dựa vào những lợi thế tự nhiên sẵn có, sản phẩm và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn đơn điệu; chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn, nghỉ còn thấp; các khu du lịch thiếu nhiều dịch vụ hỗ trợ như: Dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa, mua sắm... điều đó làm giảm sức hút đối với du khách, lượng khách lưu trú, nhất là khách quốc tế tăng trưởng chậm...

Xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, những bất cập trong những năm qua, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch mới.

Thực hiện đầu tư cuốn chiếu, chú trọng vào các dự án, công trình có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển du lịch, như: Quần thể danh thắng Tràng An, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng đế (thành phố Ninh Bình), Khu Công viên Động vật hoang dã quốc gia tại huyện Nho Quan, nạo vét tuyến du lịch sông Sào Khê, đoạn từ Cố đô Hoa Lư đến Tam Cốc, các dự án sân golf, Khu Kênh Gà - động Vân Trình…

Kết hợp hài hòa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tỉnh Ninh Bình sẽ có điều kiện khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch, thực hiện mục tiêu hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng và độc đáo, tăng nhanh tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế, gắn phát triển du lịch với tạo việc làm, góp phần đưa Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch phía Bắc và cả nước./.

Nguồn: Báo Ninh Bình

Cùng chuyên mục