Hoạt động của ngành

Quảng Ninh: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa du lịch

Cập nhật: 16/08/2018 09:09:00
Số lần đọc: 719
Tỉnh Quảng Ninh là địa bàn có hoạt động du lich sôi động, số lượng du khách đến thăm quan và lưu trú trên địa bàn ngày càng tăng. Do đó, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp du lịch, nhân dân vào cuộc. Các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tỉnh Quảng Ninh xác định, việc đảm bảo VSATTP là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch.


Lực lượng chức năng Quảng Ninh kiểm tra thực phẩm tại chợ.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 17.293 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong số đó có, 1.234 cơ sở sản xuất nuôi trồng nông lâm sản và thủy sản; 825 cơ sở sản xuất chế biến; 9516 cơ sở kinh doanh; 4.502 cơ sở dịch vụ ăn uống; 1.216 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Phần lớn các cơ sở này do huyện và xã quản lý. Từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Ninh không xảy ra ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm; các chỉ tiêu kế hoạch, dự án chương trình mục tiêu ATTP đều đạt hiệu quả. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các cơ sở bán hàng; phối hợp liên ngành thanh tra, kiểm tra, xử phạt và tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo ATTP. Sở Công thương Quảng Ninh phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, tập huấn, phổ biến về ATTP, đặt test thử nhanh tại các chợ… tuyên truyền cho nhân dân, các doanh nghiệp. Đơn vị kiểm tra, phát hiện 456 vụ vi phạm, xử phạt và tiêu hủy nhiều hàng hóa.

Về công tác truy xuất nguồn gốc xuất xứ, công tác quản lý tại các chợ được chú trọng, nhất là tại các chợ lớn, chợ du lịch đẩy mạnh văn minh du lịch. Trước đây, việc kiểm tra lập kế hoạch trước, nay sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất. Từ đầu năm 2018 đến nay, tỉnh Quảng Ninh thành lập 469 đoàn thanh tra, kiểm tra định kỳ tại 12.004 lượt cơ sở. Qua đó, phát hiện 2.189 cơ sở vi phạm (chiếm 18,2%), xử phạt cảnh cáo và nhắc nhở 904 cơ sở, phạt tiền 1.295 cơ sở. Trong những tháng đầu năm, các đơn vị chức năng kiểm tra đột xuất 409 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính trên 2,8 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu: vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm nhập lậu. Các cơ sở, cá nhân vi phạm được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Là một trong những trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, TP Hạ Long triển khai thanh tra, kiểm tra VSATTP. Trên địa bàn hiện có 6.600 cơ sở sản xuất kinh doanh liên quan đến thực phẩm, khối lượng và đối tượng quản lý rộng. Trong những tháng đầu năm 2018, thành phố triển khai thanh, kiểm tra 1.330 lượt cơ sở, xử phạt 92 cơ sở, tiêu hủy 26 vụ vi phạm, phạt tiền trên 400 triệu đồng, đình chỉ 15 cơ sở vi phạm ATTP. Các lực lượng chức năng triển khai 5.700 mẫu test nhanh trong số 8.905 mẫu kiểm nghiệm, phát hiện 175 mẫu không đạt và xử phạt theo quy định. Để đảm bảo VSATTP, TP Hạ Long yêu cầu các cơ sở giết mổ tập trung tại 2 phường Hà Khánh và Hà Phong đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tuân thủ quy chuẩn giết mổ an toàn, lắp camera giám sát 24/24h, quản lý số lượng gia súc vào khu giết mổ tập trung. TP Hạ Long đề xuất tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai trên phương tiện truyền thông để người dân biết và theo dõi.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATTP tiếp cận trực tiếp đối tượng và cộng đồng. Qua đó, tạo chuyển biến trong công tác đảm bảo ATTP. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh ban hành nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất đảm bảo ATTP, hỗ trợ tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất thực phẩm an toàn. Thời gian tới, dự báo lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng cao. Trong thời điểm Quảng Ninh đăng cai năm du lịch Quốc gia năm 2018, tập trung xây dựng thương hiệu du lịch an toàn. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các đơn vị, địa phương đảm bảo ATTP. Tuyên truyền bằng nhiều hình thức, từ khâu sản xuất tới nâng cao ý thức tiêu dùng, nhất là những cơ sở sản xuất; kiểm soát các cơ sở sản xuất giết mổ tập trung, việc vận chuyển chế biến tại các chợ đầu mối, các nhà hàng, khách sạn. Xác định các điểm trọng tâm kiểm soát và xử lý nghiêm vi phạm, đưa lên phương tiện truyền thông để thông tin đến người dân; dành nguồn lực xử lý vi phạm, xử lý nghiêm và lựa chọn những đơn vị vi phạm và những cơ sở sản xuất đạt chuẩn, đảm bảo ATTP thông tin để nhân dân biết, theo dõi./.

Nguồn: baovanhoa.vn

Cùng chuyên mục