Đặc sắc ẩm thực vùng cao Bắc Kạn
Trong các hành trình du lịch, văn hóa ẩm thực không phải là yếu tố quyết định nhưng sẽ là yếu tố đóng vai trò thiết yếu, có ý nghĩa làm cho mỗi hành trình du lịch thêm thú vị, hấp dẫn, nhiều trải nghiệm hơn, để lại ấn tượng đẹp khó quên trong lòng mỗi du khách. Sẽ rất thú vị nếu sau một chặng đường dài tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh, các điểm đến ý nghĩa, tìm hiểu về truyền thống lịch sử, văn hóa, được nghe giới thiệu về các món ăn, đồ uống đặc sản quê hương, du khách lại có dịp được thưởng thức các món ẩm thực đặc sản đó tại những nhà hàng ở Bắc Kạn. “Trăm nghe không bằng một thấy” chắc chắn mỗi du khách sẽ có thêm được những cảm nhận mới. Bởi, trong mỗi đồ ăn, thức uống, trái cây đặc sản ấy còn ẩn chứa những nét văn hóa đặc trưng, phong tục tập quán, là tính cách, hương vị, là thành quả của cả một quá trình lao động sản xuất sáng tạo và những tri thức dân gian quý báu được người dân gìn giữ, bảo tồn và duy trì từ bao đời nay. Và khi ra về rất nhiều du khách không quên mua về làm quà cho người thân, bàn bè cùng thưởng thức.
Có thể khẳng định việc khám phá, thưởng thức văn hóa ẩm thực là một nhu cầu thực tế của du khách. Cùng điểm qua những món ẩm thực truyền thống, đặc sắc với nét đặc trưng riêng biệt của tỉnh Bắc Kạn:
Cá hồ nướng được bày bán tại Khu du lịch Ba Bể. Cá trong hồ Ba Bể không nhiều nhưng chất lượng thì tuyệt vời vì thịt cá trắng, chắc và có vị ngọt. Người ta chọn lấy loại cá chỉ nhỏ bằng ngón tay cái, loại cá này vừa giống như cá bống, vừa giống con cá nẹp ở xuôi để làm món cá nướng.Còn gì bằng ngồi bên bờ hồ Ba Bể, nhâm nhi đĩa cá nướng chấm tương ớt với vài chén rượu ngô.
Lạp sườn hun khói được làm từ thịt lợn bản thơm và chắc, tẩm ướp bằng gừng đá nên có mùi thơm rất đặc biệt.
Cơm lam được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp. Gạo nếp sau khi được cho vào ống tre thì được nướng lên. Trong quá trình nướng, phải chú ý xoay ống tre cho thật đều tay để ống không bị cháy. Nướng sau khoảng 1 giờ đồng hồ, ngửi mùi thơm là cơm chín.
Bánh ngô Na Rỳ làm từ những hạt ngô nếp già, chắc, mẩy, ngâm nước 2 ngày 2 đêm thêm gạo nếp dẻo thơm là đủ sẵn sàng cho việc làm nên món bánh đặc sản này.
Bánh gio đã có ở Bắc Kạn hàng trăm năm. Làm bánh gio cầu kì đòi hỏi người làm phải khéo tay.Bánh được chấm với nước mật được làm bằng đường mía sánh, thơm.
Xôi Đăm Đeng là món xôi rất độc đáo vì được nấu từ gạo nếp nương và tất cả màu sắc của xôi không tạo ra bằng phẩm màu mà bằng hương sắc của cây cỏ.Xôi có một mùi thơm đặc trưng của cây cỏ, không thể lẫn với bất cứ loại xôi nào khác.
Bánh trời (hay còn gọi là pẻng phạ) được làm từ nguyên liệu là gạo nếp, rượu trắng, chè mạn và đường mía. Bên trong bánh dẻo, thơm bên ngoài giòn ngọt.
Gạo nếp Khẩu Nua Lếch - đặc sản Ngân Sơn, du khách có thể mua làm quà biếu người thân, bạn bè.
Gạo bao thai Chợ Đồn hương vị đặc biệt dẻo, thơm và khó quên. Đặc biệt, ngày 25/2/2011, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) đã chính thức cấp Giấy chứng nhận bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm “Gạo Bao Thai Chợ Đồn”.
Miến dong Nhất Thiện là 1 trong tổng số 102 sản phẩm của các địa phương trong cả nước được Bộ Công Thương công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017. Sản phẩm miến dong Nhất Thiện của tỉnh Bắc Kạn được đánh giá đảm bảo tốt các tiêu chí về kinh tế - kỹ thuật - xã hội và môi trường; tính văn hóa, thẩm mỹ và tính sáng tạo.
Rượu ngô men lá là một loại rượu ngô của người Tày ở Ba Bể được ủ bằng men lá. Nếu một lần được uống chắc hẳn bạn sẽ không quên được hương vị đậm đà và rất riêng biệt. Các loại cây thuốc làm men lá nấu rượu mà người Tày Ba Bể chọn là cây thuốc bổ dưỡng. Rượu ngô nơi đây được nấu bằng nguồn nước ở lưng chừng núi Phja-Bjoóc - một nguồn nước vô cùng tinh khiết mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này. Chẳng thế mà dù đã có rất nhiều nơi nấu rượu ngô nhưng chỉ có rượu ngô được sản xuất tại thôn Khưa Quang, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể mới là loại rượu được mọi người ưa chuộng nhất./.