Hoạt động của ngành

Phát triển du lịch ở Bình Liêu - Quảng Ninh

Cập nhật: 10/09/2018 08:55:08
Số lần đọc: 1284
Khoảng 3 năm trở lại đây, Bình Liêu đã có những bước phát triển về du lịch đáng ghi nhận. Từ một điểm đến gần như  là “con số không”, chưa được du khách biết tới, đến nay Bình Liêu đã trở thành địa danh được nhiều khách du lịch lựa chọn đến để trải nghiệm, khám phá. Nếu như năm 2015, Bình Liêu đón khoảng 33.000 lượt khách thì 7 tháng đầu năm nay, địa phương đã đón gần 44.000 lượt khách.


Du khách thích thú khi ngắm cảnh đẹp từ cột mốc 1300.

Lợi thế từ sự khác biệt

Được ví như một “Sapa thu nhỏ”, Bình Liêu có khí hậu quanh năm ôn hòa, cấu trúc địa hình đa dạng, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, như: Thác Khe Vằn, Khe Tiền, dãy núi Cao Ba Lanh, Cao Xiêm, Cao Ly, ruộng bậc thang, rừng hồi quế... Bình Liêu cũng là địa phương có đường biên giới giáp với Trung Quốc dài nhất tỉnh.

Cùng với điều kiện tự nhiên, Bình Liêu có nhiều tài nguyên du lịch nhân văn. Là huyện vùng cao biên giới, huyện có đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nhất tỉnh và còn giữ được nhiều phong tục tập quán, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội Kiêng gió của người dân tộc Sán Chỉ, xã Húc Động, hội hát Soóng cọ (dân tộc Sán Chỉ), hát then (dân tộc Tày), hát Pả Dung (dân tộc Dao)... Bình Liêu cũng là địa phương còn giữ được nét văn hóa bản địa đặc sắc của những bản làng dân tộc với những mái nhà đơn sơ, mộc mạc, những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ tại các bản Sông Moóc (xã Đồng Văn), Cao Thắng (xã Lục Hồn). Nhiều bản làng còn hoang sơ như bản Đồng Thanh (xã Hoành Mô)... vẫn còn gìn giữ, bảo tồn được những ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Có thể nói đây là lợi thế khác biệt về tài nguyên, điều kiện thuận lợi để Bình Liêu phát triển du lịch mang bản sắc riêng.

Ông Nguyễn Văn An, Công ty Lữ hành Halo tour, CLB Du lịch cộng đồng, một đơn vị đã đưa nhiều đoàn khách du lịch đến Bình Liêu, đánh giá rất cao tài nguyên du lịch của địa phương. Bình Liêu hoàn toàn có thể phát triển du lịch dựa vào những tiềm năng về cảnh đẹp thiên nhiên cũng như bản sắc văn hóa độc đáo. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các đoàn khách đến Bình Liêu đều đi, về trong ngày. Bởi lẽ dịch vụ phục vụ du lịch của địa phương vẫn còn nghèo nàn. Để ngành “công nghiệp không khói” nơi đây phát huy được những giá trị đặc biệt, Bình Liêu còn nhiều việc phải làm, trong đó việc phát triển các dịch vụ phục vụ cho khách du lịch là vô cùng quan trọng.

Cần có nhà đầu tư vào du lịch

Trước hết cần phải khẳng định rằng, phát huy những tiềm năng, lợi thế khác biệt về tài nguyên du lịch, từ năm 2015, huyện Bình Liêu đã xác định du lịch là ngành kinh tế mới và huyện đã nỗ lực triển khai thực hiện. Địa phương đã kêu gọi các nhà đầu tư, liên kết với các đơn vị lữ hành, xây dựng các sản phẩm du lịch, các tour tuyến, cải thiện hạ tầng giao thông...

Năm 2015, Bình Liêu đã xây dựng được 3 tuyến, 7 điểm tham quan du lịch và đã được UBND tỉnh công nhận. Cụ thể, tuyến 1 từ thị trấn Bình Liêu - xã Húc Động - xã Đồng Văn - Cửa khẩu Hoành Mô; tuyến 2 từ trung tâm thị trấn Bình Liêu - xã Lục Hồn - Cửa khẩu Hoành Mô - xã Đồng Văn; tuyến 3 từ thị trấn Bình Liêu - đường tuần tra biên giới - Cửa khẩu Hoành Mô. 7 điểm du lịch trên địa bàn huyện Bình Liêu, bao gồm: Thác Khe Vằn, thác Khe Tiền, thác Sông Moóc, đình Lục Nà, chợ trung tâm huyện Bình Liêu, chợ Đồng Văn và Cột mốc số 1317, Cửa khẩu Hoành Mô.

Huyện cũng đã quy hoạch được 7 nhóm sản phẩm du lịch theo chuyên đề, nổi bật là: Du lịch khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa, các ngày lễ hội trên địa bàn...

Để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch, thời gian qua, Bình Liêu đã chú trọng, tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Đến nay địa phương đã hoàn thành các tuyến đường, như: Đường tuần tra biên giới, đường lên các cột mốc có cảnh quan đẹp, đường Lục Ngù - Khe Tiền, đường Nà Ếch - Khe Vằn, đường Đồng Văn - Khe Tiền… Các điểm du lịch đều được cắm các biển chỉ dẫn, chỉ đường. 

Đối với dịch vụ lưu trú, nếu trước đây Bình Liêu chỉ có duy nhất nhà nghỉ Bình Sơn tại trung tâm thị trấn và 5 nhà nghỉ có quy mô nhỏ tại Cửa khẩu Hoành Mô thì đến nay, Bình Liêu đã có 17 cơ sở lưu trú với gần 200 phòng. Từ năm 2017, trên địa bàn huyện cũng xuất hiện một số nhà cho khách du lịch thuê, hoạt động khá hiệu quả. Ngoài ra, còn có một số dịch vụ khác như: Cho thuê lều trại, xe máy, trang phục dân tộc...

Cùng với đó, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch cũng được huyện quan tâm. Đặc biệt, để giới thiệu và cung cấp các sản phẩm du lịch của địa phương, tháng 8/2017, Bình Liêu đã thành lập và đưa vào hoạt động Văn phòng Du lịch, trụ sở đặt tại Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện. Văn phòng là đầu mối liên kết với các công ty lữ hành trong, ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá du lịch địa phương và đưa khách du lịch đến Bình Liêu. Đồng thời kết nối với các đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn để cung cấp các dịch vụ như: Thuyết minh viên địa phương, các sản phẩm trải nghiệm văn hóa địa phương, địa điểm lưu trú và ăn uống... cho các công ty du lịch và du khách. 

Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng du lịch Bình Liêu vẫn còn những hạn chế. Cơ sở hạ tầng đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch quy mô nhỏ lẻ... Đối tượng khách du lịch đến với Bình Liêu chủ yếu là khách nội địa ở những địa phương lân cận, doanh thu mang lại từ du lịch chưa cao.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, cho biết. Việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách vào du lịch rất khó khăn. Bình Liêu chưa thu hút được dự án lớn nào đầu tư về du lịch triển khai trên địa bàn huyện. Trước đây, có dự án du lịch cộng đồng Sông Moóc và dự án du lịch sinh thái thác Khe Vằn do Công ty CP Du lịch Sen Á Đông và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Nam Kỳ, nhưng mới chỉ dừng lại ở ý tưởng đầu tư. Tới đây, khi cặp cửa khẩu biên giới Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) được nâng cấp thành cửa khẩu chính sẽ tạo điều kiện thúc đẩy du lịch biên giới giữa hai địa phương. Huyện mong muốn tỉnh sớm ban hành chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng. Đây là yếu tố quan trọng thu hút nguồn lực đầu tư vào địa bàn./.

Nguồn: Báo Quảng Ninh

Cùng chuyên mục