Ninh Bình: Khai thác có hiệu quả những lợi thế về tiềm năng du lịch văn hóa
Theo đó, đến năm 2020, Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước; đến năm 2030, ngành du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Mục tiêu cụ thể, về khách du lịch, năm 2020 thu hút 1,0 triệu lượt khách quốc tế và 7,0 triệu lượt khách nội địa; năm 2025 thu hút 1,5 triệu lượt khách quốc tế và 9,0 triệu lượt khách nội địa; năm 2030 thu hút 2,1 triệu lượt khách quốc tế và 11,2 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu dừ du lịch năm 2020 đạt trên 4.200 tỷ đồng; năm 2025 đạt trên 11.800 tỷ đồng; năm 2030 đạt trên 27.000 tỷ đồng
Về định hướng các sản phẩm du lịch, Ninh Bình tập trung vào nhóm các sản phẩm du lịch tham quan danh lam thắng cảnh; nhóm các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; nhóm các sản phẩm du lịch sinh thái; nhóm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; nhóm sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, thể thao cuối tuần; nhóm sản phẩm du lịch biển, sinh thái biển (tại Kim Sơn); và các sản phẩm du lịch bổ trợ.
Trong đó, phát triển trung tâm du lịch chính tại thành phố Ninh Bình và các trung tâm phụ trợ tại thành phố Tam Điệp, các thị trấn của các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn; phát triển khu du lịch quốc gia tại Khu du lịch quốc gia quần thể danh thắng Tràng An và khu du lịch quốc gia Kênh Gà – Vân Trình bên cạnh phát triển 06 khu du lịch cấp tỉnh và các điểm du lịch.
Việc phát triển du lịch Ninh Bình nhằm khai thác có hiệu quả những lợi thế về tiềm năng du lịch, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, nhưng phải gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, các giá trị văn hóa lịch sử và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng và phát triển bền vững./.