Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Toronto (Canada)
Sự kiện thu hút hơn 70 đại biểu là đại diện hiệp hội thương mại, các doanh nghiệp lữ hành quan tâm điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch và có kế hoạch đưa khách đến Việt Nam. Phía Việt Nam có 34 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tham gia với mong muốn tìm hiểu thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh với các đối tác Canada.
Phát biểu tại sự kiện, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh Việt Nam có nhiều tài nguyên du lịch phong phú; con người Việt Nam thân thiện, mến khách, ẩm thực Việt Nam tinh tế, phong phú. Sản phẩm du lịch Việt Nam đa dạng, có chất lượng, đáp ứng được các nhu cầu về du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch văn hóa di sản, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm... Trong quá trình phát triển của kinh tế đất nước, Du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và đã có những bước tăng trưởng vượt bật. Việt Nam đã trở thành một điểm đến được ưa thích của du khách trên thế giới. Năm 2017, Việt Nam đã đón được gần 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với năm 2016. Tại lễ vinh danh tổ chức ở Hồng Kong ngày 3/9 vừa qua Việt Nam đã vinh dự được World Travel Awards trao giải là điểm đến hàng đầu của châu Á năm 2018.
Tại sự kiện, đại diện Tổng cục Du lịch đã giới thiệu, cập nhật về tình hình phát triển, các chính sách, điểm đến, sản phẩm, dịch vụ mới của du lịch Việt Nam dành cho thị trường khách du lịch quốc tế. Trong đó có việc Việt Nam đã áp dụng chính sách đăng ký cấp thị thực vô cùng thuận lợi cho công dân 46 quốc gia, trong đó có Canada.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đài Trang, Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể tập trung vào các đối tượng du khách Canada như: giới trẻ Canada rất muốn khám phá châu Á cũng như đất nước, con người Việt Nam; các gia đình đi nghỉ hè; các trường học và các doanh nghiệp Canada muốn sang Việt Nam du lịch trước, rồi tìm hiểu cơ hội trao đổi giáo dục và kinh tế. Đặc biệt, các học sinh, sinh viên Canada muốn sang Việt Nam để thực tập, tìm hiểu cơ hội học tập, trao đổi giáo dục cũng như cơ hội việc làm trong ngành giáo dục.
Đặc biệt, trong khuôn khổ sự kiện, các doanh nghiệp hai nước đã gặp gỡ, giao thương theo hình thức B2B, trực tiếp trao đổi với nhau về sản phẩm, dịch vụ cũng như thế mạnh của mình để tìm kiếm đối tác phù hợp. Chương trình giao thương đã diễn ra sôi nổi và hiệu quả, được các doanh nghiệp hai bên đánh giá cao.
Thị trường outbound Canada - Lượng khách: Năm 2017 có hơn 33 triệu lượt người đi ra nước ngoài, trong đó có 25,4 triệu lượt người đi với mục đích du lịch thuần túy, tăng 6,9% so với năm trước. - Tỷ lệ tăng trưởng nguồn khách chia theo khu vực địa lý: British Columbia: 7,6%, Ontario: 7%, Quebec: 3,9%, Alberta: 2,5 %, Yukon và NWT: 5%. - Chi tiêu: Theo xếp hạng của Tổ chức Du lịch thế giới, Canada đứng thứ 7 về chi tiêu du lịch outbound. - Các điểm đến chính: Châu Âu (Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Đức): 5,7 triệu lượt, vùng Caribe, Mexico và Trung Mỹ: 5,1 triệu lượt, châu Á: 3,3 triệu lượt. Riêng ở khu vực châu Á, ngoài Trung Quốc thì Philippines, New Zealand, Việt Nam và Nhật Bản cũng có tỷ lệ tăng trưởng cao về lượng khách Canada. Mặc dù con số tuyệt đối về lượng khách Canada đến khu vực này chưa bằng các khu vực khác song thời gian lưu trú và chi tiêu lớn hơn (Báo cáo của Conference Board of Canada). Các chuyến bay trực tiếp từ Canada đến khu vực châu Á và châu Đại Dương năm nay dự kiến đạt 4.7 triệu ghế, tăng 74% so với năm 2014. |