Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Toàn cảnh hội thảo
Đến dự hội thảo có ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư; ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cùng 180 đại biểu đại diện cho Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch, các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ĐBSCL cùng các cơ quan thông tấn báo chí trong nước.
Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khai thác du lịch nông nghiệp ĐBSCL. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời giới thiệu các mô hình du lịch nông nghiệp thành công có tính sáng tạo…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn nhất và là một trong 7 vùng du lịch của Việt Nam. Nơi đây được coi là “vựa lúa”, “vựa tôm cá” và “vựa trái cây” của cả nước. Hơn nữa, cảnh quan sông nước hiền hòa, người dân thân thiện và mến khách cũng là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Hiện nay, ở các địa phương như Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP. Cần Thơ… đã hình thành nhiều điểm du lịch nông nghiệp. Đến đây, du khách có thể vào vai người nông dân tự tay hái quả, làm vườn, được nghỉ chân ngay tại nhà dân và xung quanh là những vườn cây trái trĩu quả. Ngoài ra, du khách còn có dịp tham quan những làng nghề truyền thống, các lò bánh, lò cốm, hoặc đi thăm các chợ nổi Long Xuyên, Cái Bè, Cái Răng, Phụng Hiệp… Riêng tỉnh An Giang đã triển khai một số mô hình tiêu biểu tại Cù lao ông Hổ thuộc xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), Cù lao Giêng (huyện Chợ Mới)… bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực, tạo thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân, kích thích sự sáng tạo trong các hoạt động kinh tế và kinh doanh ở khu vực nông thôn.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung phát biểu tại hội thảo
Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ĐBSCL có tiềm năng và lợi thế “vàng” trong khai thác và phát triển du lịch dựa trên các hoạt động của nền sản xuất nông nghiệp, mô hình được nhiều nước trên thế giới chú trọng hướng đến nhằm phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên giá trị mang lại của loại hình du lịch này thời gian qua chưa cao, do sản phẩm chưa hấp dẫn, đơn điệu về dịch vụ và thiếu tính chuyên nghiệp, chưa được đầu tư theo chiều sâu để có sản phẩm chuyên biệt… Để nâng cao giá trị của du lịch nông nghiệp, các địa phương trong vùng cần lựa chọn mô hình nông nghiệp đặc thù, khu vực sản xuất mang đặc trưng riêng của từng địa phương trên cơ sở bảo tồn được phương thức canh tác truyền thống; kết nối với doanh nghiệp lữ hành để đưa du khách đến những nông trại, vùng nông thôn có sức hấp dẫn; chú trọng công tác xúc tiến quảng bá, truyền thông về điểm đến…
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng – Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng – Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, sau 8 năm xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn, môi trường… đã được cải thiện đáng kể, đủ điều kiện phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm nông thôn… Theo ông Tiến, nói đến sản xuất nông nghiệp hiện nay, không thể hướng mãi đến năng suất, sản lượng mà phải có hướng đi mới gắn với các loại hình khác. Trong đó điển hình là dịch vụ du lịch để tạo ra những giá trị mới cho sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho bà con nông dân, phát triển kinh tế gia đình, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu
Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp lữ hành và chuyên gia nhấn mạnh, nền nông nghiệp đang chuyển mạnh sang sản xuất sạch, hữu cơ và an toàn, cùng với khôi phục bản sắc văn hóa ở các vùng nông thôn. Vấn đề đặt ra đối với các cơ quản lý nhà nước là kết nối các nhà khai thác, chuyên gia, giải quyết các vấn đề thiết yếu như đầu tư hệ thống nước sạch, nhà vệ sinh, cải thiện môi trường nông thôn… để các doanh nghiệp lữ hành yên tâm đưa khách đến. Các chuyên gia cũng cho rằng, phát triển du lịch nông nghiệp – nông thôn phải hướng đến sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, sản phẩm và nhân lực tại chỗ; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, trong đó có lợi ích của người dân trực tiếp tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp.
Du lịch nông nghiệp là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế, giá trị khác biệt và nổi bật của nông nghiệp, nông thôn, đồng thời gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, xây dựng nông thôn mới… Năm 2017, ĐBSCL đã đón trên 30,2 triệu lượt khách nội địa, hơn 2,8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu đạt trên 17.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016.
Bài: Lam Phương; ảnh: Anh Dũng