Tọa đàm Phát triển sản phẩm du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Toàn cảnh buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Sở Du lịch TP. Cần Thơ và Sở VHTTDL các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng cùng đại diện các doanh nghiệp lữ hành và cơ quan thông tấn báo chí trong nước.
Tọa đàm nhằm giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng ĐBSCL; đồng thời đưa ra giải pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại về dịch vụ du lịch, kết nối sản phẩm du lịch giữa các địa phương trong vùng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng, hiệu quả, góp phần thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến vùng ĐBSCL. Đây còn là dịp để các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong việc quảng bá, xúc tiến du lịch, góp phần đưa du lịch ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững.
Đại diện Tổng cục Du lịch phát biểu tại tọa đàm
ĐBSCL được bồi đắp bởi phù sa của sông Tiền và sông Hậu với hệ thống kênh rạch chằng chịt giao thoa cùng núi rừng, biển đảo tạo nên một vùng sinh thái đa dạng, tạo nên những cảnh quan hấp dẫn, hùng vĩ, chứa bao điều kỳ thú. Nơi đây còn được coi là “vựa lúa”, “vựa tôm cá” và “vựa trái cây” của cả nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp. Đặc biệt, tinh hoa văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc nơi đây với nhiều lễ hội dân gian đặc sắc cùng tính cách con người Phương Nam hiền hòa, mến khách chính là dấu ấn mà ĐBSCL để lại trong lòng du khách gần xa.
Đại diện Sở Du lịch TP. Cần Thơ phát biểu tại tọa đàm
Hiện nay, các sản phẩm du lịch được phân bố rải khắp các địa phương vùng ĐBSCL, đó là du lịch lễ hội, tâm linh và núi rừng ở An Giang; biển đảo, rừng quốc gia, rừng ngập mặn ở Kiên Giang – Cà Mau; sông nước miệt vườn, chợ nổi trên sông ở Cần Thơ, Vĩnh Long; di tích văn hóa – đờn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; cù lao, chợ nổi ở Tiền Giang; lễ hội dừa, hoa kiểng ở Bến Tre…
Mặc dù có tiềm năng phong phú, đa dạng nhưng du lịch ĐBSCL vẫn tồn tại một số hạn chế như: sản phẩm du lịch còn chưa thực sự hấp dẫn, khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao, công tác quảng bá xúc tiến du lịch còn nhiều hạn chế, nguồn lực du lịch chưa được đầu tư đúng mức... Hiện tại, việc phát triển du lịch ở khu vực này vẫn mang tính tự phát, chưa có khảo sát, quy hoạch và phát triển một cách đồng bộ.
Các doanh nghiệp trao đổi, thảo luận tại tọa đàm
Tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn và đơn vị cung cấp dịch vụ trên điạ bàn các tỉnh đã trao đổi, thảo luận nhằm tìm ra các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch ĐBSCL trong thời gian tới. Các chuyên gia về du lịch nhấn mạnh, để khai thác và phát huy thế mạnh, tiềm năng du lịch của từng địa phương vùng Tây Nam bộ cần phải tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác, phân công và hỗ trợ nhau trong việc cải tạo, nâng cấp các điểm du lịch hiện có, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng mang tính riêng biệt của vùng, phát huy thế mạnh sông nước miệt vườn, hình thành các tour du lịch mang đậm tính sinh thái liên kết các tỉnh trong vùng, qua đó tạo nét độc đáo của các sản phẩm du lịch để đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng đối tượng khách du lịch.
Bài: Lam Phương; ảnh: Anh Dũng