Hoạt động của ngành

Sức vươn du lịch Lào Cai

Cập nhật: 24/09/2018 09:55:32
Số lần đọc: 626
Nối dài những thành công của Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc, với những cách làm sáng tạo, các địa phương đã đưa nhiều sản phẩm du lịch mới vào khai thác, mang lại nhiều lựa chọn cho du khách khi đến Lào Cai, đưa ngành du lịch Lào Cai tăng trưởng với những con số ấn tượng.


Chương trình biểu diễn dù lượn tại xã Mường Hum (Bát Xát) được nhiều người quan tâm.

Từ bỏ những “thói xấu”

Trên bản đồ du lịch cả nước, Lào Cai có vị thế không nhỏ với Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý… đẹp từ thiên nhiên đến văn hóa và con người. Đã có lúc, ngành du lịch Lào Cai bị chững lại nếu không muốn nói là tụt lại phía sau, bởi cách làm ăn chộp giật của những người làm du lịch.

Sa Pa vốn là điểm du lịch nổi tiếng được biết đến từ lâu, chính quyền luôn kêu gọi người dân và những người làm du lịch không được làm ăn chộp giật, “chặt chém” du khách, nhưng tình trạng này vẫn diễn ra trong nhiều năm nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Chỉ cách đây vài năm, không chỉ du khách, mà chính người dân Lào Cai cũng bị “chém đẹp” nếu chẳng may “đi lạc”. Vấn đề này xảy ra ở ngay trên mảnh đất mà cả chính quyền địa phương và những người yêu du lịch muốn gây dựng lên hình ảnh một miền đất thân thiện, điểm đến đáng nhớ cho du khách.

Tôi vẫn nhớ mình và đồng nghiệp bị “chém đẹp” trong một chuyến công tác tại Khu du lịch Thác Bạc, huyện Sa Pa. Vốn chẳng lạ với tình trạng làm ăn “bát nháo” của một số gian hàng tại khu vực này, qua phản ánh của du khách, chúng tôi vào vai khách du lịch ghé thăm vài gian hàng bán đồ ăn và đồ lưu niệm tại đây. Mặc dù hỏi giá trước khi ăn, nhưng chúng tôi vẫn bị “choáng” bởi cách tính tiền “phi lý” của chủ gian hàng. Toàn bộ sự “phi lý” đó được chúng tôi ghi lại và chuyển cho ngành chức năng huyện Sa Pa. Gian hàng này ngay sau đó đã bị phạt hành chính và chấm dứt kinh doanh. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ trong thói làm ăn chộp giật, làm xấu hình ảnh du lịch và nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch Sa Pa thân thiện của chính quyền nơi đây.

Không lâu trước đây, ở vài khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tình trạng bán hàng rong, chèo kéo du khách, ăn xin… đã trở thành gánh nặng của ngành du lịch. Tại Sa Pa, Bắc Hà, từ người già đến trẻ nhỏ “rủ nhau” đi bán hàng rong kiếm thêm thu nhập. Mỗi khi du khách vừa bước xuống xe là cả nhóm đến mời chào mua hàng, đặc biệt là khi có du khách nước ngoài. Sự bất tiện đó đã làm không ít du khách phải nhăn mặt, lắc đầu ngao ngán khi đặt chân đến những điểm du lịch của Lào Cai.

Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các địa phương, từ tuyên truyền nhắc nhở, đến xử phạt, răn đe, những hình ảnh xấu dần không còn. Những điểm du lịch đều có đường dây nóng để người dân, du khách kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc. Đến Sa Pa hay Bắc Hà hôm nay, du khách đã ít nhiều vơi đi nỗi lo bị “chặt chém”, chèo kéo, bán hàng rong hay ăn xin…

“So với cách đây 5 năm, tôi đã thấy Sa Pa thay đổi rất nhiều, ngoài việc cải thiện môi trường du lịch, Sa Pa còn có thêm nhiều lựa chọn cho du khách mỗi lần ghé thăm” - anh Thạch Văn Mười (Hà Nam) cho hay.

Cách làm sáng tạo

Bên cạnh việc cải thiện hình ảnh chưa đẹp trong phát triển du lịch, các cấp, ngành đã nỗ lực vào cuộc, kêu gọi đầu tư về hạ tầng du lịch, tạo thêm nhiều điểm đến hấp dẫn thu hút du khách đến với Lào Cai.

Bắt đầu đi vào hoạt động từ đầu năm 2016, Quần thể cáp treo lên đỉnh Fansipan được xây dựng, với hệ thống ba dây hiện đại, hệ thống 33 cabin chở được từ 30 - 35 khách/cabin vận hành liên tục, cáp treo Fansipan đã hiện thực hóa giấc mơ chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” của hàng triệu du khách trong và ngoài nước với thời gian chưa đến 20 phút, thay vì đi bộ trên cung đường hiểm trở trong 2 ngày, mở ra cơ hội chiêm ngưỡng thung lũng Mường Hoa, dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ từ trên cao cho mọi người, kể cả người già và trẻ em. Cùng với hệ thống cáp treo, Tập đoàn Sun Group còn xây dựng quần thể du lịch tâm linh, hệ thống đường tàu leo núi, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động như lễ hội khèn, ẩm thực, hoa đỗ quyên… để thu hút du khách đến tham quan. Tại các khu, tuyến, điểm du lịch khác như: Cát Cát, Tả Phìn, Tả Van, Khu du lịch sinh thái Hàm Rồng… cũng liên tục triển khai nhiều sản phẩm trải nghiệm độc đáo; huyện Sa Pa cũng tổ chức các lễ hội theo mùa để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Năm 2018 là năm ngành du lịch huyện Bát Xát trỗi dậy với nhiều hoạt động nổi bật. Với mong muốn khắc tên lên bản đồ du lịch trong và ngoài nước, huyện Bát Xát đã chú trọng đầu tư cho du lịch. Để tạo sự khác biệt và tận dụng những tiềm năng có sẵn, Bát Xát hướng đến hình thức du lịch chinh phục đỉnh cao, du lịch văn hóa cộng đồng. Nhiều hoạt động như Giải leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn; hoạt động khảo sát, khám phá đỉnh Ky Quan San, Nhìu Cồ San… thường xuyên được tổ chức; các mô hình homestay được mở mới tại Y Tý. Đặc biệt, trong năm 2018, Giải đua xe đạp địa hình “Khám phá Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” huyện Bát Xát lần thứ I, chương trình biểu diễn dù lượn và tham quan làng nghề chạm khắc bạc tại thôn Séo Pờ Hồ… lần đầu tiên được tổ chức hứa hẹn là sản phẩm du lịch triển vọng của huyện. “Sau khi tham gia Giải leo núi chinh phục đỉnh Lảo Thẩn, tôi cảm thấy đất nước Việt Nam rất giàu tiềm năng du lịch, các hoạt động thú vị như giải leo núi sẽ thu hút được nhiều du khách đến tham quan”, anh Patrick Slack (Canada) cho biết.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong 8 tháng năm 2018, Lào Cai đã đón trên 3,25 triệu lượt du khách, tăng 18% so với cùng kỳ (khách quốc tế 496.800 lượt; khách nội địa đạt 2,75 triệu lượt), doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt gần 10.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Những thành công của ngành du lịch Lào Cai trong 8 tháng năm 2018 là do dư âm thành công của Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và ngành du lịch trong việc xây dựng và đưa vào hoạt động những sản phẩm du lịch mới, đặc sắc. Cùng với hình thức du lịch truyền thống, những hoạt động du lịch chinh phục đỉnh cao, du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm cũng là hướng đi thu hút khách của Lào Cai trong thời gian tới.

Với sự vào cuộc từ nhiều phía, ngành du lịch Lào Cai đã có những bước tiến vững chắc, xây dựng hình ảnh đẹp, thân thiện, ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến trải nghiệm./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục