Hoạt động của ngành

Ấn tượng Gia Lai

Cập nhật: 27/09/2018 09:03:28
Số lần đọc: 630
Vì lần đầu được đặt chân đến Tây Nguyên, tất thảy chúng tôi đều có chung khát khao khám phá. Máy bay chuẩn bị hạ cánh, Tây Nguyên hiện ra qua ô kính là bình nguyên rộng lớn, mướt xanh xen lẫn khoảng đất trống ánh màu đất đỏ bazan huyền thoại. Tây Nguyên đang mùa mưa. Vừa đặt chân xuống sân bay Pleiku, Gia Lai, chúng tôi đã có cảm giác sự ẩm ướt từ những cánh rừng đại ngàn đang tràn xuống, phả vào mặt, vào người, đủ mang lại cảm giác se lạnh bất chợt cho khách phương xa.


Biển Hồ Pleiku.

Trên đường về khách sạn, đồng nghiệp ở Báo Gia Lai say sưa giới thiệu về những con đường, công viên có những cây thông, cây long não cả trăm năm tuổi, những dự định phát triển của thành phố Pleiku trong tương lai... Chị nói về Quảng trường Đại Đoàn Kết được xây dựng trên nền một bệnh viện, rộng tới 12 ha, có tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Ở đó còn có bức phù điêu bằng đá mô tả cuộc sống, sinh hoạt của các dân tộc Tây Nguyên lớn nhất Việt Nam với diện tích 600 m2 và nhiều kỷ lục khác nữa... gắn liền với các công trình kiến trúc văn hóa - lịch sử như Bảo tàng cổ vật, Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum). Quảng trường Đại Đoàn Kết được ví như trái tim của thành phố Pleiku, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan, vui chơi. Năm 2017, Quảng trường Đại Đoàn Kết được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) bình chọn là một trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất Gia Lai.

Ngay buổi chiều có mặt ở Gia Lai, từ thành phố Pleiku, chúng tôi theo Quốc lộ 19 đến thăm Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Dọc đường đi qua địa phận huyện Đắc Đoa, Mang Yang, thi thoảng thấp thoáng những bản làng, những đống rơm, rạ chất cao trước nhà gợi nhớ về những thôn xóm vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các bạn đồng nghiệp Báo Gia Lai cho biết, sau ngày Tây Nguyên giải phóng, bên cạnh những chuyến di dân theo chủ trương của Nhà nước từ những tỉnh phía Bắc vào, còn có nhiều người dân từ khắp các tỉnh, thành trong cả nước di cư đến đây, cùng với cư dân bản địa, họ đoàn kết sinh sống, tập trung lao động, sản xuất, khai phá, làm nên vóc dáng, hình hài của Gia Lai hôm nay...

Sáng ngày thứ hai ở Gia Lai, chúng tôi đến tham quan Biển Hồ, thắng cảnh thơ mộng và hoang sơ vốn được mệnh danh là “đôi mắt Pleiku”. Ngoài tác dụng dự trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho dân cư thành phố Pleiku, Biển Hồ còn là khu du lịch hấp dẫn. Nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 7 km về phía Tây Bắc, theo Quốc lộ 14, Biển Hồ có hình bầu dục, rộng 228 ha, độ sâu trung bình lên tới 33m. Biển Hồ còn có tên gọi T’nưng. Huyền tích xưa kể rằng, nơi đây vốn là làng cổ T’nưng trù phú, yên vui. Rồi bỗng một hôm, từ trong tầng sâu đất cổ, dòng dung nham sôi sục, phun trào, vùi lấp toàn bộ làng. Những người còn sống khóc thương làng mình và người thân, nước mắt chảy thành hồ.

Con đường vào Biển Hồ nhô hẳn ra như bán đảo, hai bên ngút ngàn thông xanh lao xao trò chuyện cùng gió. Chúng tôi vừa thả bộ, vừa hướng tầm mắt xa xăm ngắm Biển Hồ, ngỡ mình lạc vào tiên cảnh. Nhìn bầu trời, cây cối, nước hồ đồng nhất một màu xanh khiến tôi liên tưởng đến câu thơ tả mùa thu, tất cả cùng một màu sắc của Vương Bột, nhà thơ nổi tiếng đời Đường (Trung Quốc): Lạc hà dữ cô lộ tề phi/Thu thủy cộng tràng thiên nhất sắc (Ráng chiều với cò lẻ cùng bay/Nước thu cùng với trời dài một sắc). Trên cái nền gương xanh màu ngọc bích hình bầu dục khổng lồ, chỉ có sóng gợn lăn tăn và những chú vịt trời tung tăng bơi lội, tôi thấy trong lòng thư thái lạ lùng!

Chúng tôi dừng lại một quán nhỏ ven đường uống cà phê, ngắm cảnh. Và bỗng đâu lạc trôi trong gió một tình khúc bolero thật ngọt. Lạ hơn cả, âm thanh trầm ấm, vang ngân kia lại được phát ra từ cụ ông đã ngoài 80 tuổi. Ông ngồi đó, say sưa hát, không màng chuyện người đời thả vào chiếc hộp trước mặt bao nhiêu tiền. Ông cứ hát, ai thích nghe bài gì đều được đáp ứng. Ông tên Trần Tập, nhà ở thôn 9, xã Tân Sơn (trước thuộc xã Biển Hồ), thành phố Pleiku. Vốn người gốc Nam Định, là chiến sỹ văn công phục vụ bộ đội chiến đấu, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông ở lại công tác và sinh sống tại tỉnh Gia Lai.

Hai ngày ở Gia Lai, những vùng đất, con người thoáng qua nhưng cũng đủ phác họa nên sự bất ngờ cho chúng tôi. Và, chúng tôi tiếp tục mang theo nắng và gió của vùng đất này để đi tiếp hành trình khám phá Tây Nguyên hùng vỹ./.

Nguồn: Báo Lào Cai

Cùng chuyên mục