Ca trù - một di sản văn hóa cần được bảo tồn
Theo nhiều nguồn sử liệu thì từ xa xưa, giáo phường ca trù (ả đào) là một tổ chức xã hội nghề nghiệp có tính thống nhất, được Nhà nước phong kiến công nhận và đặt định một chức sắc trông coi giáo phường - gọi là quản giáp. Ca trù có mặt ở nhiều tỉnh miền bắc, đến tận Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, trung bình cứ mỗi huyện có vài làng ả đào. Các làng lại liên kết với nhau để hợp nhất thành từng giáo phường có tên gọi riêng, chia nhau chấn giữ các cửa đình, cửa đền trên địa bàn huyện để kiếm kế sinh nhai. Trong giáo phường, người quản giáp (còn gọi ông trùm hàng huyện) chịu trách nhiệm trông coi, sắp đặt mọi việc. Ðây là chức vị được chính những người làm nghề trong giáo phường bầu chọn, phải là một kép đàn có đủ tài đức song toàn. Dưới ông ta là hội đồng các ông trùm họ (còn gọi là ông trùm cửa đình). Mọi việc làm ăn đều được phân chia rõ ràng, không bao giờ có chuyện lấn sân, tranh giành quyền lợi. Xưa, giáo phường được xem như một tổ chức rất ổn định, người trong giáo phường có những luật tục riêng, duy trì mối quan hệ nghề nghiệp, yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
Chỉ mới nói sơ đến địa văn hóa của giáo phường, đã thấy được cả nghìn năm lịch sử của nghệ thuật ca trù Việt Nam. Từ không gian cung đình đến nơi thôn dã, từ môi trường nghi lễ tín ngưỡng đến nơi bầu rượu, túi thơ tri âm tri kỷ, ở đâu cũng thường có sự hiện diện của ca trù. Trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam, có thể khẳng định tính kinh điển mẫu mực của loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Sang đến đầu thế kỷ 20, nhu cầu thưởng thức ca trù nơi thị thành ngày một lên cao, các nhóm đào kép từ các nơi chuyển dần về các thành phố lớn để mở nhà hát. Ðây là hình thức ca hát giải trí, đơn thuần phục vụ nhu cầu thụ hưởng nghệ thuật của giới thức giả thành thị. Rất nhanh chóng, nhà hát ả đào được thiết lập một cách có hệ thống ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Ðịnh... cũng như các trung tâm tỉnh lỵ khắp các tỉnh miền bắc. Phương thức làm ăn với cấu trúc phường hội mới cũng nhanh chóng được thiết lập. Giờ đây, người nghệ sĩ dân gian nơi thôn dã chính thức bước vào sân chơi nghệ thuật chốn đô thị, cạnh tranh cùng nhiều bộ môn nghệ thuật khác. Hiện tượng đó cho thấy nghệ thuật ca trù với sức sống mới đã thật sự lan tỏa trên một bình diện rộng.
Ra chốn thị thành, các nghệ sĩ sống quần tụ lại thành từng nhóm trên các địa bàn cư trú, gọi là xóm cô đầu. Ở đây, dù lề luật buộc phải thay đổi ít nhiều theo đời sống thương mại, song, phong hóa cơ bản của giáo phường vẫn được bảo lưu, như lệ hát thờ tổ, hay những quy chuẩn đạo đức gìn giữ thanh danh của giới nghề. Chẳng hạn đào nương nào mà có quan hệ không lành mạnh với các quan viên thì đều bị người đứng đầu - gọi là quản ca quở trách, kỷ luật... Bên cạnh đào kép biểu diễn nghệ thuật, môi trường thương mại mới nảy sinh một tầng lớp mới - gọi là các cô đào rượu. Họ là những cô gái xinh đẹp, được đào tạo bài bản để chuyên lo việc tiếp tân, mời rượu quan khách đến nghe hát. Khác với những người tiếp viên thông thường, các đào rượu buộc phải học ít nhiều vài làn điệu của ca trù, ít thì vài câu mời khách uống rượu, nhiều thì tùy vào năng lực nghệ thuật của từng người. Nói chung, trình độ của các đào rượu thiên về khả năng trình bày ẩm thực, cung cách sắp mâm bát, bày rượu, chia bài tổ tôm... nhằm đáp ứng một thú chơi thời thượng của giới tri thức, phong lưu chốn phồn hoa đô thị. Rồi chốn ăn chơi ấy cũng nảy sinh các nhu cầu "đời thường", cũng vì thế mà nghệ thuật ca trù đã từng bị chụp cái "mũ oan nghiệt". Một hoạt động nghệ thuật của giới nghệ sĩ đã bị đánh đồng với điều xấu xa như là tàn dư của chế độ phong kiến. Ðể rồi ca trù dần dà biến mất khỏi đời sống nghệ thuật của người Việt, chấm dứt vị trí hàng đầu của môn nghệ thuật đã có nghìn năm lịch sử. Nếu tính từ nửa cuối thế kỷ 20 đến nay, đã ngót 60 năm trôi qua, âm nhạc ca trù chỉ còn là ký ức của một thời. Các nghệ sĩ tài danh lần lượt nối gót về cõi vĩnh hằng. Phần lớn đào kép chỉ muốn giấu nghề, mai danh ẩn tích, vì không chịu nổi điều tiếng thế gian. Cũng có người chuyển qua làm nghề khác, thi thoảng tụ họp để nhớ về một thuở hoàng kim. Sự mai một của ca trù đã nghiêm trọng đến mức giờ đây, khi tái tạo, phục dựng trong đời sống âm nhạc đương đại, phần lớn công chúng không khỏi ngỡ ngàng bởi nó... quá xa lạ.
Trong những cuộc điền dã để xây dựng hồ sơ ca trù trình UNESCO, nhà nghiên cứu Ðặng Hoành Loan cho hay, có những địa phương khi Viện Âm nhạc đến khảo sát, thậm chí chính những cán bộ Sở Văn hóa, Du lịch và Thể thao cũng sửng sốt khi biết trên địa bàn của họ đã từng có giáo phường ca trù, và hiện vẫn có vài nghệ nhân ca trù còn sống. Nói vậy để thấy được sự quên lãng với một di sản đặc sắc như ca trù đã đến mức nào. Theo lẽ thường, một thể loại âm nhạc muốn có vị trí trong lòng công chúng, nhất thiết phải tạo lập được môi trường thưởng thức riêng của nó. Lỗ hổng giáo dục âm nhạc cổ truyền dân tộc nói chung, ca trù nói riêng là thực trạng đã được báo động liên tục từ hàng chục năm qua. Sự thiếu hụt đó là không thể bù đắp trong một sớm một chiều.
Năm 1976, GS Trần Văn Khê khi về nước đã tìm đến nghệ nhân Quách Thị Hồ và thu thanh giọng hát của bà. Có thể coi đây là sự kiện ghi dấu cho cuộc phục hưng nghệ thuật ca trù. Bởi sau khi về Pháp, GS Khê đã nhanh chóng sắp xếp giới thiệu băng âm thanh đó với Hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO, và họ đã trao bằng danh dự cho bà Quách Thị Hồ, tên tuổi của bà với ca trù được chính thức biết tới trên trường quốc tế. Ðến năm 1988, băng âm thanh ca trù của bà lại một lần nữa vinh danh ở vị trí cao nhất khi tham dự cuộc Liên hoan quốc tế Âm nhạc truyền thống ở Triều Tiên. Sau đó, bà được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Những năm 80 của thế kỷ trước, các lão nghệ nhân lừng danh như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc, Ðinh Khắc Ban, Phó Ðình Kỳ đào tạo một lớp ca trù ngắn hạn do Bộ Văn hóa tổ chức. Các nghệ sĩ được theo học lớp đào tạo này cũng tiếp thu được một phần tinh hoa của ca trù, nổi lên là các danh ca mới như Trang Nhung, Thúy Ðạt, Kim Dung... Về sau, khi các danh cầm đàn đáy lần lượt "khuất núi", các chị đã thật sự gặp khó khăn khi tìm người đàn thay, nên hầu như khó duy trì và phát triển được vốn nghề của mình. Từ những năm 90 đến nay, phong trào phục hưng nghệ thuật ca trù lại được nhen nhóm ở Hà Nội. Người được coi là tâm huyết nhất có lẽ phải kể đến nghệ sĩ Lê Thị Bạch Vân, Chủ nhiệm CLB Ca trù Hà Nội. Chị miệt mài gây dựng phong trào ở đền Bích Câu gần 20 năm nay. Vốn là học trò của lão nghệ nhân Chu Văn Du, nghệ sĩ Bạch Vân như đã được tôi luyện một bản lĩnh nghề nghiệp thật vững vàng. Trải qua bao thăng trầm sóng gió, dù đã có lúc tưởng như phải bỏ cuộc, nhưng chị vẫn trụ vững và hiện vẫn duy trì đều đặn sinh hoạt thường kỳ ở đền Bích Câu
Bên cạnh đó, có sự ra đời của nhóm Ca trù Thái Hà được coi như dấu ấn tiếp theo khích lệ niềm tin với những người yêu ca trù. Thái Hà là nhóm ca trù duy nhất có tính nội tộc, thuộc dòng dõi nhà nghề lừng danh ở ấp Thái Hà một thuở. Thành viên là ông Nguyễn Văn Mùi cùng các con Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Văn Tiến và Nguyễn Thúy Hòa. Trong đó, Khuê và Tiến là hai kép đàn trẻ một thời được coi như quý hiếm của giới ca trù Hà Nội, vì đến khi đó, ngoài các anh, hầu như không ai theo học nghề tổ. Vào đầu những năm 90, lần đầu tiên, nhóm ca trù Thái Hà được mời đi lưu diễn tại Pa-ri, sau băng âm thanh của nghệ nhân Quách Thị Hồ, ca trù Việt Nam một lần nữa lại được vang lên trên các phương tiện truyền thông châu Âu. Hiện nay, Tiến đã chuyển nghề khác, chỉ còn anh Khuê giữ nghề tổ. Nhưng điều đáng mừng là giờ đây, đám con cháu thế hệ tiếp nối của gia đình ông Mùi đã chính thức được cha ông truyền nghề và rất có triển vọng.
Tháng 6-2006, sau thời gian miệt mài tầm sư học đạo, Phạm Thị Huệ (giảng viên đàn tỳ bà thuộc Học viện Âm nhạc quốc gia) đã chính thức được hai người thầy lừng lẫy một thời của giáo phường ca trù Hải Dương và Hà Tây là danh cầm Nguyễn Phú Ðẹ và danh ca Nguyễn Thị Chúc cho ra nghề. "Lễ mở xiêm áo" của chị Huệ được tổ chức dưới sự chứng kiến của nhiều nhà nghiên cứu đầu ngành về ca trù và báo giới. Nó có ý nghĩa như sự sống lại của phương thức lưu truyền mang tính chuyên nghiệp của tổ chức giáo phường. Xưa, việc truyền dạy trong giáo phường được đặt định rất chặt chẽ, các đào nương kép đàn sau nhiều năm theo học, đến lúc đủ độ, người thầy mới tổ chức "lễ mở xiêm áo", coi như lễ tốt nghiệp để người học trò có thể chính thức ra hành nghề. Bên cạnh vai trò đào nương, Phạm Thị Huệ được coi là đào đàn đầu tiên của nghề ca trù, trước đó chỉ có đàn ông chơi đàn đáy, nên mới gọi là kép đàn.
Ðến tháng 8 năm đó, CLB Ca trù Thăng Long chính thức ra mắt, thành viên là chị Phạm Thị Huệ cùng hai người thầy của mình. Ngay từ ngày thành lập, CLB Ca trù Thăng Long đã nêu cao tôn chỉ quảng bá và giáo dục nhằm xây dựng phong trào nghe - học ca trù trong đời sống xã hội hiện đại. Với cách làm đó, sau hai năm hoạt động, Ca trù Thăng Long đã nhanh chóng có được thế hệ đào nương thứ hai. Các em vốn là sinh viên của Phạm Thị Huệ ở Nhạc viện, được cô dắt dìu vào nghề tổ. Trong nhóm, còn có sự tham gia tích cực của kép đàn Phạm Ðình Hoàng, vốn là một họa sĩ nhưng rất đam mê ca trù, anh được cụ Ðẹ thu nạp làm học trò cùng với Phạm Thị Huệ. Việc giao lưu với các nhóm ca trù bạn ở Lỗ Khê và Hải Phòng cũng là điểm sáng của CLB Ca trù Thăng Long. Cùng với việc truyền nghề, Ca trù Thăng Long cũng xây dựng được một đội ngũ quan viên trẻ chơi trống chầu. Hiện nay, với lực lượng đào kép vượt trội, Ca trù Thăng Long đang phục dựng dàn bát âm - một bộ phận không thể thiếu trong cơ cấu giáo phường xưa khi đi hát cửa đình. Ðiều đặc biệt, với phương pháp truyền dạy kiểu cổ truyền, nhạc công dàn bát âm ở đây không chỉ giới hạn ở nhóm đào kép có chuyên môn, mà còn mở rộng với sự tham dự của những khán giả có năng lực nghệ thuật. Ðây là điểm hết sức thú vị, đáng khích lệ trong sự nghiệp về nguồn của họ. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động quảng bá không phải là chuyện đơn giản. Không có kinh phí, họ thường xuyên phải di chuyển địa điểm sinh hoạt, nay đây mai đó để mong có được một sân chơi ổn định cho các hội viên yêu ca trù. Ðến cuối năm 2007, trước sự phục hưng ngày một triển vọng của nghệ thuật ca trù, nghệ nhân Phó Thị Kim Ðức cuối cùng cũng đã trở lại với chiếu diễn. Bà cùng hai học trò thân thiết là vợ chồng chị Bạch Dương chính thức thành lập nhóm Ca trù Tràng An, sinh hoạt tại gia đình.
Nhìn chung, tất cả các nhóm ca trù đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội đều tự vận động bởi lòng yêu nghề, hoàn toàn không có đầu tư kinh phí hay sự đỡ đầu chính thức của Nhà nước. Thành thử với các nhóm hoạt động mang tính xã hội cao như CLB Ca trù Hà Nội và CLB Ca trù Thăng Long, tính bền vững là điều không thể dự đoán. Vì thế, thiết nghĩ các cơ quan hữu trách có liên quan tới hoạt động tiếp thu và phát triển di sản âm nhạc cổ điển của dân tộc, nên quan tâm đến tình trạng này, để ít nhất nghệ thuật ca trù cũng không bị quên lãng theo thời gian./.