Hoạt động của ngành

Năm 2008 - Du lịch Việt Nam nỗ lực khắc phục khó khăn

Cập nhật: 27/12/2008 15:12:17
Số lần đọc: 3908
Năm 2008 là năm có nhiều biến động bất lợi đối với hoạt động du lịch. Trên thế giới, tình hình xung đột vũ trang, bất ổn chính trị diễn ra ở nhiều nơi. Hoạt động du lịch trên toàn cầu gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính. Sự sụt giảm của ngành du lịch được nhận thấy rõ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một số quốc gia du lịch hàng đầu trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore giảm sút rõ rệt.

Năm 2008 là năm có nhiều biến động bất lợi đối với hoạt động du lịch. Trên thế giới, tình hình xung đột vũ trang, bất ổn chính trị diễn ra ở nhiều nơi. Hoạt động du lịch trên toàn cầu gặp nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính. Sự sụt giảm của ngành du lịch được nhận thấy rõ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Một số quốc gia du lịch hàng đầu trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore giảm sút rõ rệt.

Trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, ngành du lịch Việt Nam cũng đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong 6 tháng đầu năm 2008, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2007, nhưng cộng dồn 11 tháng năm 2008, lượng khách quốc tế chỉ tăng 1,1% so với 11 tháng năm 2007, đạt 3.877.745 lượt. Nhiều thị trường có lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trong nhiều năm qua, sang năm 2008 bị giảm sút như: Hàn Quốc giảm 4,5%, Nhật Bản giảm 5,9%, Đài Loan giảm 2,1%. Tuy nhiên, một số thị trường vẫn tăng trưởng như: Trung Quốc tăng 14,7%, Mỹ tăng 1,7%, Úc tăng 3,8%, Malaysia tăng 13,5%, Singapore tăng 14,3%.

Tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong cả năm 2008 đạt khoảng 4,2 triệu lượt; khách du lịch nội địa ước đạt 20 triệu lượt; thu nhập xã hội từ du lịch năm 2008 ước đạt 60.000 tỷ đồng.

Trong bối cảnh một năm đầy biến động như vậy, ngành du lịch của nhiều nước trên thế giới cũng bị sụt giảm đáng kể, nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến tăng trưởng âm. Năm 2008, ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực không ngừng, xây dựng và triển khai nhiều giải pháp để trụ vững và cố gắng duy trì ở mức tương đương năm 2007.

 

Tổng cục Du lịch đang tích cực triển khai một số chương trình, dự án hỗ trợ các địa phương nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đa dạng hóa loại hình du lịch nhằm tăng cường thu hút khách vào Việt Nam.

 

Đẩy mạnh khai thác các chương trình du lịch liên quốc gia, phát triển du lịch đường bộ, đặc biệt là tour caravan vào nước ta tham quan, du lịch. Đồng thời tăng cường khai thác hiệu quả loại hình du lịch biển đảo ở Việt Nam. Liên kết khai thác các tuyến du lịch biển đảo với các nước trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore.

 

Ngành Du lịch và Văn hóa cũng đã có sự phối hợp xây dựng các sản phẩm du lịch chất lượng cao, khai thác các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian, các giá trị văn hóa Việt cổ… nhằm thu hút, phục vụ khách du lịch.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan phục vụ tốt điều kiện về cơ sở vật chất cho các sự kiện lớn trong năm như Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc về tôn giáo được tổ chức tại Việt Nam, cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2008 và sự kiện Diễn đàn du lịch ASEAN sẽ diễn ra vào đầu năm 2009 tại Hà Nội…

 

Ngành du lịch đã tập trung tuyên truyền quảng bá cho hoạt động chính là Năm Du lịch quốc gia Cần Thơ với nhiều sự kiện hỗ trợ diễn ra trong cả nước và tích cực tuyên truyền cho Diễn đàn Du lịch ASEAN sắp tới; tăng cường quảng bá du lịch Việt Nam qua những sự kiện lớn trong nước được nhiều hãng truyền thông quốc tế đưa tin như Festival Huế 2008, cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tại Nha Trang… Đồng thời, nâng cao hình ảnh Việt Nam, thu hút sự chú ý của du khách thông qua việc tích cực tham gia ATF 2008 tại Thái Lan, Hội chợ Du lịch quốc tế ITB ở Đức, Hội chợ du lịch 2008 tại Pháp, MITT tại Nga, FITUR tại Tây Ban Nha, UTAZAT 08 tại Hungary…

Đặc biệt, Tổng cục Du lịch xây dựng một số giải pháp cấp bách trên cơ sở phối hợp ngành Hàng không với các doanh nghiệp du lịch - dịch vụ nhằm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cuối năm 2008 và năm 2009; chú trọng đến các thị trường gần, thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ…

 

Nhìn chung, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2008, ngành du lịch Việt Nam đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện tốt một số nhiệm vụ cơ bản. Nhận định đúng về tình hình trong nước và quốc tế, ngành đã đề ra những giải pháp cấp bách nhằm thu hút du khách trong thời gian tới nhằm đạt được mục tiêu đón 4,5 triệu lượt khách quốc tế, 22 triệu lượt khách nội địa, thu nhập xã hội từ du lịch đạt 65.000 tỷ đồng trong năm 2009. Những ngày cuối năm 2008, toàn ngành đang tập trung nỗ lực chuẩn bị tốt nhất cho sự kiện du lịch lớn nhất năm 2009 là Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF 09) sắp diễn ra từ 5-12/1/2009.

Nguồn: Trung tâm Thông tin du lịch – TCDL

Cùng chuyên mục