Du lịch sinh thái, nhà vườn - thế mạnh của Đồng Nai
Khu du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Trảng Bom - Đồng Nai. (Ảnh: K.V)
Thời gian qua, khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến Đồng Nai với những địa danh, phong cảnh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Cát Tiên; Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai; thác Giang Điền, thác Mơ, hồ Trị An... Những năm trở lại đây, khách du lịch từ các địa phương lân cận, nhất là TP.Hồ Chí Minh đã tìm đến các điểm du lịch sinh thái của Đồng Nai ngày càng đông.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, số lượng khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã lên đến hơn 3,4 triệu lượt người, mang lại doanh thu hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, 9 tháng của năm 2018, cũng đã có gần 3 triệu lượt khách đến vui chơi, giải trí tại các khu, điểm du lịch của Đồng Nai, tăng trên 13% so với cùng kỳ năm 2017. Do lượng khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn đông nên doanh thu ngành du lịch trong tỉnh đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng gần 14,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, có hơn 312 nghìn lượt khách đến các khu du lịch đã lưu trú lại qua đêm.
Trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, cũng đã có hơn 150 nghìn lượt khách đến tham quan các địa điểm du lịch, công viên sinh thái trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, Khu du lịch Bửu Long (TP.Biên Hòa) thu hút khoảng 40 nghìn lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ dịp 2/9 năm ngoái; Công viên Suối Mơ (huyện Tân Phú) đón hơn 20 nghìn lượt khách, tăng 30%. Bên cạnh đó, Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (TP.Biên Hòa) cũng thu hút hơn 18 nghìn lượt khách, Khu du lịch sinh thái thác Giang Điền (huyện Trảng Bom) 16 nghìn lượt khách, Khu du lịch Bò Cạp Vàng (huyện Nhơn Trạch) gần 11 nghìn lượt khách...
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai, sở dĩ lượng khách trong và ngoài tỉnh đến các điểm, khu du lịch tăng cao và chi tiêu nhiều hơn là vì các khu, điểm du lịch chú ý đầu tư đến hạ tầng, dịch vụ... Vào các dịp lễ, các khu du lịch đều làm mới và nâng cấp thêm các công trình vui chơi.
Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh hiện có 21 khu du lịch, với nhiều điểm vui chơi, nghỉ dưỡng được các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp. Du lịch Đồng Nai phần lớn là du lịch sinh thái, nhà vườn cây trái…, loại hình được xem là khá hấp dẫn du khách nước ngoài. Chính vì thế, ngày càng có nhiều khách du lịch tìm đến Đồng Nai để trải nghiệm loại hình du lịch này.
Nếu như du lịch Vườn quốc gia Cát Tiên thường được khách quốc tế, chủ yếu là từ các quốc gia như Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Đan Mạch… trải nghiệm, thì những chuyến dã ngoại dọc sông Đồng Nai ngày càng được nhiều người dân ở các đô thị như TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa (Đồng Nai), TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) lựa chọn. Ông Nguyễn Cảnh Vương, người dân quận Gò Vấp, TP.Hồ CHí Minh cho biết, khoảng cách từ TP.Hồ Chí Minh đến Đồng Nai là không xa, với tuyến du lịch sinh thái đường sông dọc sông Đồng Nai cho một gia đình 4 người, chi phí vừa phải, cảnh quan hấp dẫn, thì đây là lựa chọn không chỉ cho gia đình ông mà còn rất nhiều gia đình ở TP.Hồ Chí Minh muốn trải nghiệm vào những ngày cuối tuần.
Nắm bắt nhu cầu trên, để tạo điểm nhấn níu giữ khách dừng chân lâu hơn, ngành du lịch Đồng Nai đã quyết tâm tạo đột phá phát triển từ những lợi thế sẵn có về rừng và sông. Nhằm khai thác tốt du lịch sinh thái rừng và du lịch đường sông, tỉnh định hướng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết với các địa phương; tiếp tục nâng cấp các khu điểm du lịch hiện có, tạo ra các sản phẩm mới…
Vào đầu tháng 9, Đồng Nai đã chính thức khai trương giai đoạn 1 tuyến du lịch sông Đồng Nai. Đây là tuyến du lịch được nhiều du khách mong đợi. Theo đó, tuyến du lịch ven sông Đồng Nai có chiều dài khoảng 30km, từ Cù lao Ba Xê, phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa đến khu vực Thủy điện Trị An, thuộc xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, với các di tích lịch sử, văn hóa hai bên sông Đồng Nai như chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Đình Tân Lân, Văn miếu Trấn Biên, làng bưởi Tân Triều, làng gốm Tân Vạn...
Với địa hình có rừng, có núi, sông, suối…, Đồng Nai đang nắm giữ rất nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp phục vụ cho nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước. Chỉ cách TP.Hồ Chí Minh 90 km, Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai cũng đang tích cực bắt tay làm nhiều việc để mời gọi du khách đến với khu rừng rộng lớn, trải dài từ Vườn quốc gia Cát Tiên tới Khu bảo tồn này. Nơi đây có hệ sinh thái đa dạng, nhiều loài động, thực vật đặc hữu trên thế giới và Việt Nam, cùng với nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, như Trung ương Cục miền Nam; Khu ủy miền Đông.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn cho biết, để phát triển du lịch kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử, đơn vị đang làm chủ Đề án quy hoạch, phát triển du lịch đến năm 2030, với tổng kinh phí 1.172 tỷ đồng. Trong đó, chú trọng các phương án thu hút nguồn đầu tư từ xã hội hóa, phát huy lợi thế về rừng, tạo ra sản phẩm du lịch có thế mạnh. Không chỉ có thế mạnh về du lịch sinh thái, Đồng Nai cũng là địa phương được biết đến bởi những vườn cây ăn trái có chất lượng cao, cảnh đẹp níu chân người, đó là các nhà vườn ở huyện Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, TX. Long Khánh… với nhiều loại cây trái như sầu riêng, măng cụt, vú sữa, chôm chôm, xoài…
Điển hình như vườn trái cây Dì Út ở xã Phú Cường, huyện Định Quán, đây là điểm du lịch mới đưa vào hoạt động. Vườn có diện tích gần 8 ha, là mô hình du lịch cộng đồng liên kết với nông dân và đồng bào dân tộc, các làng nghề thủ công và kết hợp các dịch vụ tại địa phương gồm vườn cây ăn trái, làng nghề thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, trồng trọt, chăn nuôi, khu vui chơi cho trẻ em, cắm trại… với giá vé tham quan trọn gói hiện nay là 399 nghìn đồng/người/ngày, du khách có thể tập làm bánh xèo, bánh trôi nước; tham quan vườn trái cây sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bơ và được thưởng thức trái cây hái tại chỗ tùy theo mùa; tham quan một số địa điểm sản xuất thủ công mỹ nghệ; bắt cá nướng ăn tại chỗ, tham quan bằng ghe, xuồng...
Nằm giữa tuyến du lịch TP.Hồ Chí Minh – TP.Đà Lạt, hai huyện Tân Phú, Định Quán của Đồng Nai được thiên nhiên “ban tặng” nhiều thác, hồ, sông, núi, rừng hùng vĩ. Ngoài ra, trên địa bàn hai huyện này hiện còn có nhiều địa điểm du lịch sinh thái được đầu tư khá bài bản, một số mô hình nông nghiệp theo hướng hiện đại. Đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị truyền thống đặc sắc.
Đây là những tiềm năng lớn để phát triển các tour, tuyến du lịch sinh thái kết nối vườn - rừng và du lịch cộng đồng. Thời gian gần đây, tour du lịch kết hợp tham quan vườn ca cao sạch và khám phá Vườn quốc gia Cát Tiên, tìm hiểu bản sắc của cộng đồng dân tộc địa phương nhận được nhiều quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai đã phối hợp với Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan tổ chức tour dành cho đoàn doanh nghiệp du lịch nước ngoài về khảo sát sản phẩm du lịch tại Đồng Nai. Đây là hoạt động tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, kết nối tuyến du lịch, đưa khách du lịch đến Đồng Nai, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các tour du lịch sinh thái rừng.
Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng đang mời gọi thu hút đầu tư vào điểm du lịch Đá ba chồng, Bầu nước sôi, Thác Mai trên địa bàn huyện Định Quán. Tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1.900 tỷ đồng và chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư 400 tỷ đồng, giai đoạn 2 khoảng 1.500 tỷ đồng. Cùng với đó, Đồng Nai cũng lên kế hoạch kết nối giao thông các khu du lịch trong tỉnh, do hiện nay một số địa phương có nhiều địa điểm, khu du lịch như Tân Phú, Vĩnh Cửu..., nhiều tuyến đường kết nối, dẫn vào các khu du lịch đã xuống cấp. Theo bà Đặng Thanh Thủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai, Sở sẽ cùng với các địa phương tổ chức khảo sát về nhu cầu của người dân địa phương, khách du lịch đến các địa điểm du lịch trên các địa bàn nói trên để có những đánh giá cụ thể hơn về thực trạng các tuyến giao thông kết nối, từ đó đề xuất phương án bố trí vốn nâng cấp, mở rộng phù hợp, hiệu quả.
Theo quy hoạch phát triển ngành du lịch Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030, có tới 28 danh mục dự án và nhóm dự án với tổng vốn đầu tư cần huy động hơn 19.700 tỷ đồng. Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu trong 4 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách tham quan và lưu trú tăng 12%/năm, với kỳ vọng đạt khoảng 5 triệu lượt người vào năm 2020, tương đương doanh thu du lịch đạt 1.700 tỷ đồng./..