Bánh nhọn của người Dao đỏ ở Bản Khoang
Bánh nhọn - món ăn truyền thống của người Dao đỏ ở Bản Khoang (Sa Pa).
Chúng tôi đến gia đình ông Đặng Phúc Chiêu ở xã Bản Khoang vào một buổi chiều cuối thu, đúng lúc ông vừa luộc xong nồi bánh nhọn để dâng cúng tổ tiên. Lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy bánh nhọn được gói bằng lá chít. Thấy ánh mắt hiếu kỳ của chúng tôi, ông Chiêu chậm rãi cho biết: Bánh nhọn thực chất là bánh chưng được làm từ gạo nếp nương hoặc nếp ruộng và dùng lá chít hay lá dong, lá chuối để gói tùy theo dòng họ, ví như họ Đặng gói bằng lá chít, họ Chảo lại gói bằng lá dong… Nếu gói bánh dâng cúng tổ tiên thì không trộn tro đen, không cho nhân, còn làm bánh để ăn thì người Dao đỏ thường cho nhân thịt treo ướp gia vị để tạo mùi thơm hoặc trộn gạo với tro lúa nếp để làm bánh màu đen. Bánh chín ăn ngon, đậm đà hương vị của hạt thảo quả, có màu đen, vị thơm hương lúa.
Để làm bánh, người Dao đỏ ngâm gạo nếp qua đêm đến sáng, rửa 1 - 2 lần nước sạch rồi cho vào giá để khô nước, sau đó gói bánh. Lá chít lấy ở rừng, người ta chọn lá bánh tẻ, không lấy lá quá già hoặc quá non vì lá già bị giòn còn lá non mỏng khó gói bánh. Nếu làm bánh nhọn đen phải dùng rơm nếp đốt thành tro, dùng sàng lọc lấy bột tro đem trộn đều với gạo nếp để có màu đen đều. Khi gói, lá chít được rửa sạch bằng nước nguồn.
Nếu gói bánh nhọn để dâng cúng tổ tiên, người Dao đỏ ở Bản Khoang phải cho con trai gói, còn nếu gói ăn và tiếp khách thì phụ nữ gói. Người gói lấy lá chít cuốn thành hình phễu, dùng tay bốc khoảng hai nắm gạo cho vào cùng nhân thịt, tiếp tục lấy một nắm gạo phủ lên trên, sau đó gập hai đầu, bịt kín không cho gạo rơi ra ngoài rồi dùng dây lạt buộc bánh, tạo thành chiếc bánh giống hình con ốc nhọn. Sau đó, người làm buộc thành từng túm bánh, mỗi túm khoảng 5 - 6 chiếc bánh để khi chín vớt ra cho dễ và nhanh. Bánh gói xong được cho vào nồi luộc, khoảng 3 giờ thì vớt ra để nguội rồi ăn. Nếu gói bánh dâng cúng thì lấy 5 chiếc đối với họ Chảo, 7 chiếc đối với họ Tẩn (Đặng)…
Bánh nhọn sau khi luộc chín, màu vỏ lá gói bên ngoài ngả sang màu vàng, khi ăn, có thể dùng dây lạt gói bánh cắt lát thành từng miếng hoặc để nguyên chiếc. Bánh nhọn đen khi chín có màu đen, hạt gạo dền đều xếp dính vào nhau, ăn có vị thơm của gạo nếp, mùi thơm của thịt và dậy mùi thơm của thảo quả có tính nóng làm ấm bụng. Đối với bánh dâng cúng tổ tiên, khi cúng xong mang xuống ăn, người ta thường chấm với mật đường hoặc ăn không đều rất ngon, đặc biệt có thể cảm nhận được mùi vị của lá chít.
Ông Chiêu bóc bánh mời chúng tôi ăn và cho biết thêm: Bánh nhọn này có thể để được mấy ngày, đảm bảo ăn vẫn mềm và dẻo. Đây là đặc sản của người Dao đỏ Bản Khoang đấy!