Lẩu cá linh bông điên điển - hương vị đặc trưng miền sông nước
Cá linh chỉ có trong mùa nước nổi miền Tây, từ tháng 9 đến tháng 11, cộng thêm bông điên điển lúc nào cũng vàng rực mé sông luôn sẵn sàng. Điểm hấp dẫn ở món này là nấu rất dễ – không khác nhiều với các món lẩu cá thông dụng khác nhưng vị ngon thì khó cưỡng. Trước khi nấu lẩu, phải chuẩn bị cá linh thật tươi, làm sạch, để ráo. Để có nồi nước lẩu thơm ngon ngọt, lạ miệng, quyến rũ kia phải chắt lọc từ hương vị của nước dừa tươi, vị chua chua của thơm mà cảm tưởng như mềm mại làm sao, đi kèm với những hương liệu khác như sả, tỏi, ớt, tiêu...
Cá linh nhỏ, nhỉnh hơn con cá cơm, rất mau chín, chỉ cần bỏ vào lẩu một chút là cá chín, cá linh ăn nguyên con rất béo và giòn,thêm bông điên điển vào dùng ngay, bông điên điển vừa gặp nước đã mềm và ngọt. Thưởng thức bông điên điển phải từ từ nhai và cảm nhận. Khi vị hơi chát tan đi trong miệng, vị ngọt dịu nhẹ, thanh và trong của loài hoa này sẽ lan đều trong vòm miệng, đánh thức mọi giác quan. Ăn kèm với lẩu cá linh bông điên điển là bún tươi hoặc cơm trắng, nước mắm mặn có ớt. Cả nồi lẩu như bản hợp ca của đồng quê sông nước. Tất cả đều là sản vật của dòng nước lũ ban cho người dân miền Tây: cá linh, điên điển, so đũa, bông súng, ngò gai...
Lẩu cá linh món ăn dân dã, bình dị như những người dân Nam bộ hào sảng, phóng khoáng. Tuy chỉ là món ăn hương đồng gió nội nhưng món lẩu này lại có vị ngon rất riêng biệt luôn hấp dẫn và thu hút thực khách gần xa./.
Xuân Hiếu