Lễ hội Cầu phúc Đền Độc Cước (Sầm Sơn, Thanh Hóa): Cầu nối văn hóa – tâm linh với kinh tế du lịch
Theo Ông Hoàng Khắc Nhu, phó Chủ tịch UBND Thị xã Sầm Sơn: Về nội dung, Lễ hội được giữ nguyên những nghi thức tín ngưỡng lành mạnh, hợp lý; giữ nguyên tính chất “của dân, do dân” của Lễ hội cổ truyền.
Tất nhiên, các hình thức mê tín dị đoan ăn theo Lễ hội còn rơi rớt sẽ tiếp tục được dẹp bỏ, gắn với chấn chỉnh hoạt động của khu vực Đền Độc Cước, từ năm 2009 được UBND Thị xã Sầm Sơn chính thức giao cho Trung tâm Văn hoá Thị xã Sầm Sơn quản lý. Việc bảo đảm an ninh - trật tự của các dịch vụ trên Đền Độc Cước do Công ty Quản lý và Xây dựng Công trình đô thị Sầm Sơn phụ trách. Trong dịp Lễ hội, còn có sự tham gia tích cực của lực lượng công an, quân sự, biên phòng để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho hàng nghìn người dân và đại biểu về tham dự Lễ hội.
Chính vì để đảm bảo tình chất dân gian và quần chúng của Lễ hội nên BTC đã giao cho bản hội của 5 làng (5 xã, phường) tiến hành các nội dung chính của Lễ hội theo nghi thức truyền thống.
Cụ thể như các ban hội của Phường Trường Sơn tham gia Lễ hội Cầu phúc gồm khoảng 60 người; bộ phận mang biển hiệu Làng Núi (Phường Trường Sơn); mang cờ Tổ quốc, cờ hội, khiêng trống, khiếng kiệu và mang bộ chấp kích - khoảng 40 người của Đoàn thanh niên và các Đoàn thể đảm nhiệm. Đoàn rước kiệu của Phường Trường Sơn sẽ diễu hành từ Cột Đỏ đến tập kết tại Sân khấu Quảng trường trung tâm bãi B Thị xã Sầm Sơn. Đoàn rước kiệu của 4 xã, phường khác cũng diễu hành qua mọi ngã đường, tuyến phố của thị xã. Dự kiến có hàng nghìn người dân các làng, xã nối theo đoàn và đứng dọc các tuyến đường để cổ vũ cho khoảng 500 người của các bản hội rực rỡ cờ hiệu, rộn ràng chiêng trống... Tất cả đổ về sân Đền Độc Cước ở bãi tắm A tại đầu núi Trường Lệ- nơi cử hành Lễ hội . Khách đi lễ Đền Độc Cước, Đền Cô Tiên.. trong dịp đầu xuân cũng sẽ hoà nhập để dự lễ, làm cả Sầm Sơn sôi động trong không khí vui vẻ, náo nhiệt và linh thiêng của lễ hội
Lễ hội Cầu phúc Đền Độc Cước Xuân Kỷ Sửu 2009 lần đầu tiên đưa hình thức “Sân khấu hoá” làm điểm nhấn để Lễ hội thêm trang trọng, hoành tráng. Phần này do khoảng 50 nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Tuồng, Đoàn Chèo, Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn (Thanh Hoá) đảm nhiệm, với sự tham gia của 2 dàn trống Lam Kinh, trống đồng Đông Sơn và dàn Cồng Chiêng, sẽ đem đến một ấn tượng mạnh mẽ cho các bản hội, hàng nghìn nhân dân và các đại biểu. Nội dung của màn múa hát, trống chiêng thể hiện chủ đề: “Sầm Sơn - Miền đất linh thiêng nơi đầu sóng”. Ca ngợi vẻ đẹp mỹ lệ, vô giá của non nước Sầm Sơn, với các di tích, các danh lam thắng nổi tiếng, các truyền thuyết xưa và lịch sử, chiến công hiện đại; làm nổi bật lòng thương người, mến khách của cư dân miền biển; kêu gọi du khách mọi miền trong nước và khách quốc tế đến với Sầm Sơn. Đây chính là nội dung tuyên truyền xây dựng con người mới, xây dựng văn hoá du lịch và cũng là quảng bá cho du lịch Sầm Sơn – một mũi nhọn kinh tế của tỉnh Thanh. Khi có hàng nghìn người đến dự Lễ hội, được trực tiếp chứng kiến và được phát đi trên truyền hình, thông tin, báo chí thì hiệu quả sẽ được nhân lên gấp nhiều lần. Kênh tuyên truyền thông qua lễ hội ngày càng quan trọng vì nó tìm đến công chúng đông đảo và công chúng cũng tự tìm đến tham gia hết sức tự giác, do đó hiệu ứng giáo dục rất cao và thấm sâu vào lòng người.
Lễ hội Cầu phúc Đền Độc Cước - Sầm Sơn vào ngày 16 tháng giêng năm Kỷ Sửu – 2009 là một cố gắng của lãnh đạo Thị xã Sầm Sơn, thể hiện tư duy mới, năng động để phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng và bền vững. Lễ hội Cầu phúc Đền Độc Cước từ nay sẽ được ví như như chiếc cầu nối giữa tâm linh và văn hoá, giữa văn hoá và kinh tế du lịch không tách rời, cũng có thể được coi là tín hiệu cho một mùa hè du lịch đạt hiệu quả cao nhất.