Non nước Việt Nam

Nghề dệt lanh của người Mông ở Hà Giang

Cập nhật: 13/12/2018 09:06:25
Số lần đọc: 2157
Trải qua gần 40 công đoạn, đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông đã biến cây lanh thô ráp thành những sản phẩm thổ cẩm độc đáo, đầy màu sắc.


Phụ nữ Mông dệt lanh truyền thống.

Từ xa xưa, đồng bào Mông ở Hà Giang đã có nghề dệt vải lanh truyền thống, đáp ứng nhu cầu về trang phục hàng ngày. Với những họa tiết, màu sắc đa dạng, trang phục bằng thổ cẩm của phụ nữ Mông luôn nổi bật, tạo nên nét riêng biệt, độc đáo, tô điểm cho bức tranh văn hóa đồng bào các dân tộc nơi miền cực Bắc Tổ quốc thêm hương sắc. Người Mông có câu hát “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/Gái xinh chưa biết cầm kim là hư”, những cô gái Mông đến tuổi trưởng thành đều dệt vải lanh thành thạo; họ tự dệt cho mình những bộ quần áo đẹp nhất để mặc trong ngày hội, đi chơi chợ phiên và đặc biệt mặc trong ngày về nhà chồng. Dạo bước trên Cao nguyên đá Đồng Văn, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh phụ nữ Mông trên tay họ có những búi lanh nhỏ để nối, cuốn sợi. Nghề dệt vải lanh trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống phụ nữ Mông.

Bà Vàng Thị Mai, Giám đốc HTX Dệt lanh Lùng Tám (Quản Bạ) cho biết: “Để tạo ra sản phẩm thổ cẩm hoàn chỉnh, phải trải qua gần 40 công đoạn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, từ thu hái nguyên liệu, tước vỏ, phơi khô, giã nát, nối sợi, luộc tro nghiến, giặt phơi, lăn sợi, dệt, nhuộm chàm, vẽ sáp ong... Trong đó, nhiều công đoạn phải làm nhiều lần thì sợi lanh mới đạt độ trắng, đẹp. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người phụ nữ phải khéo léo, tỷ mỉ”.

Hiện nay, khi lượng khách du lịch đến Cao nguyên đá ngày càng đông; thổ cẩm của người Mông không chỉ đáp ứng nhu cầu về trang phục mà được trao thêm trọng trách mới - sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch. Trước đây, thổ cẩm thường được trang trí bằng các ô đường diềm, hình chữ nhật, chữ đinh, hình quả trám, tam giác… mang nhiều ý nghĩa trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Mông và được dùng để may váy, áo; ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, sản phẩm thổ cẩm được may thành nhiều loại như: Ba lô, túi xách, khăn, ga, gối với nhiều họa tiết, màu sắc đa dạng, phong phú, được thiết kế đẹp mắt. Các sản phẩm được làm từ thổ cẩm có mặt ở tất cả các điểm dừng chân, tham quan di tích, cơ sở lưu trú… trên địa bàn tỉnh. Từ đây, thổ cẩm của người Mông đã theo chân du khách đến nhiều nơi trong và ngoài nước, góp phần quảng bá, giới thiệu về nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hà Giang.

Đặc biệt, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch đã tạo ra nhiều cơ hội để nghề dệt thổ cẩm phát triển bền vững, tạo việc làm ổn định cho phụ nữ nông thôn. Từ đầu năm đến nay, HTX Dệt lanh Lùng Tám đã đón khoảng 2 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; có hàng nghìn sản phẩm được bán ra thị trường thế giới; doanh thu trên tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ Mông với thu nhập ổn định.

Mới đây, Đề án “Phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên, được thiết kế mới hoàn toàn, hoa văn đa dạng, giá thành lợp lý” của HTX Dịch vụ tổng hợp Nông, lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn (Đồng Văn) là một trong 20 “ý tưởng khởi nghiệp” xuất sắc của phụ nữ cả nước được hỗ trợ vốn để phát triển. Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của phụ nữ Mông trên Cao nguyên đá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Giờ đây, thổ cẩm thực sự trở thành sản phẩm quý của người Mông, không chỉ giúp bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, đặc sắc của dân tộc, còn trở thành sinh kế giúp phụ nữ Mông vươn lên thoát nghèo./.

Nguồn: Báo Hà Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT