Non nước Việt Nam

Làng Đào Thục (Hà Nội) - Nơi gìn giữ giá trị tinh hoa nghệ thuật rối nước

Cập nhật: 27/02/2019 09:48:17
Số lần đọc: 1803
  Bất kể mùa hè nắng nóng hay mùa đông giá lạnh, những người nghệ nhân múa rối nước tại làng quê Đào Thục (Đông Anh, Hà Nội) luôn sẵn sàng dành thời gian, sự tận tụy, tâm huyết, trầm mình dưới nước để lưu giữ nét truyền thống văn hóa dân tộc, con người Việt Nam.


Góc nhỏ bên Thủy đình cổ kính

 

Nét riêng biệt nơi làng Đào Thục

Nằm dưới bờ đê sông Cà Lồ, con đường mòn nhỏ đầy bùn đất dẫn chúng tôi vào làng ngày nào giờ đây đã được lát bê tông phẳng mịn. Đặt chân đến đầu làng, thu hút ánh nhìn của chúng tôi là một ngôi chùa nhỏ, cổ kính và bên cạnh là một thủy đình - sân khấu của những tiết mục múa rối. Thủy đình là một ngôi nhà nổi trên mặt ao, có thiết kế mái cong hình rồng, lớp ngói đã ngả sang màu đỏ sẫm qua những tháng năm với bao lần thấm tháp gió sương, đậm sắc màu cổ truyền. Trước mặt thủy đình là bức màn cói xanh biếc hệt như màu của mặt nước ao, và đằng sau chiếc màn che ấy là nơi các nghệ nhân “hóa thân”, điều khiển những chú rối “xung trận”.

Làng Đào Thục xa xưa có tên là Đào Xá, đến thời Đồng Khánh (1886-1888) mới đổi thành Đào Thục. Rối nước Đào Thục xuất hiện vào thời Hậu Lê. Từ ngày ra đời đến nay, rối nước Đào Thục đã trải qua nhiều biến cố, lúc hưng lúc thịnh, có thời điểm phải dừng hẳn. Năm 1957, nghề rối được khôi phục sau thời gian dài gián đoạn. Đến năm 2007 phường rối đẩy mạnh hoạt động hiệu quả hơn nhờ mở rộng thông tin.

Chúng tôi tìm đến làng Đào Thục vào một ngày đông, gió mùa thổi nhẹ, thời tiết se lạnh. Vừa bước tới sân khu vực thủy đình, chúng tôi đã cảm nhận được sự tất bật của những người nghệ nhân nơi đây khi họ đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn sắp tới.

Được tận mắt chiêm ngưỡng những con Rối mang đủ các hình thái từ động vật, cây cối đến con người với nhiều các sắc màu: đỏ, đen, xanh, vàng,… thật bắt mắt. Chúng nằm ngả nghiêng dưới sàn bên trong thủy đình, mỗi con rối đều tượng trưng cho một nhân vật cổ trong dân gian, mỗi cá thể chúng mang một thần thái rất riêng, đặc biệt là những đường nét trên khuôn mặt: hiền lành có, hài hước có và hung hãn cũng có.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Tựu tham gia phường diễn đã 30 năm cho biết: “Cả nước có 14 phường, phường này hầu như đứng đầu và là cổ nhất. Mỗi phường có một đặc trưng khác nhau”. Có hai điểm khác biệt giữa rối nước Đào Thục với các phường rối khác như “tiết mục đốt pháo bật cờ được biểu diễn đầu tiên, ở các phường khác là tiết mục chú tễu”. Điểm khác biệt thứ hai là nhân vật anh Ba Khí giáo trò, các phường khác gọi là chú tễu. Anh Ba Khí của Đào Thục được chế tác hình ảnh một nhân vật chân thực hơn, không còn là nhân vật chú tễu tay cầm quạt mo nữa.

Múa rối nước vốn là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, ra đời từ nền văn hóa lúa nước. Từ một nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một nghệ thuật truyền thống, một sáng tạo đặc biệt của người Việt Nam.

Nghệ thuật “trầm mình dưới nước”

Sau khi trò chuyện và ngỏ lời với người phụ trách, chúng tôi được xếp vào một vài vị trí trong khu hậu cần, trực tiếp xem và cùng các nghệ nhân thực hiện các công đoạn mà họ thường chuẩn bị cho buổi diễn.

Trước một lần diễn, người nghệ nhân nghiêm trang dâng lễ vật hoa, quả, thắp những nén nhang lên bàn thờ ông tổ nghề trong khu thủy đình. Sau đó, mọi người hòa vào làm một, không khí náo nhiệt với tiếng cười nói trao đổi trên những vẻ mặt háo hức vui tươi, tiếng của âm thanh thử nhạc, tiếng lội nước... Dường như, họ đang vui vì sắp được trầm mình dưới nước, điều khiển những chú rối, mang lại các tác phẩm hay, thú vị cho đoàn khách mời sắp dừng chân nơi làng Đào Thục.

Còn ít phút nữa là khách mời tới nơi, người nghệ nhân vội vàng mặc trang phục của mình, tất cả đồng đều một màu áo nâu bã trầu và đi ủng chống nước.Tiếng nhạc phía trong thủy đình vang to lên, tiếng hò dân gian của các nhân vật trong câu chuyện bắt đầu nhấn nhá. Âm thanh phía bên trong thủy đình bỗng ồn ào, rộn rã, mọi người trao đổi mỗi lúc với một mức âm thanh lớn hơn.

Và nhanh chóng, họ cùng nhau bước xuống ao thủy đình theo từng bục, gió thổi ngang qua mặt nước, thông qua các khe hở của màn cót tràn vào, chúng tôi thấy lạnh nhưng dường như với các nghệ nhân là không hề hấn gì. Cô N chia sẻ: “Cái lạnh này đã thấm là bao, vào những ngày đông nhiệt độ xuống thấp hơn nữa, nếu có khách yêu cầu chúng tôi vẫn ngâm mình dưới nước để diễn”. Hóa ra, bất kể là mùa hè nắng nóng hay mùa đông giá lạnh, những người nghệ nhân múa rối nước tại làng quê Đào Thục luôn sẵn sàng dành thời gian, sự tận tụy, tâm huyết để trầm mình dưới nước làm công việc lưu giữ truyền thống văn hóa dân tộc, con người Việt Nam.

Khi các nghệ nhân đã vào vị trí sẵn sàng để diễn, những tiếng cười đùa lúc bấy giờ tắt hẳn, chỉ còn lại trên gương mặt những người nghệ nhân với đôi mắt sáng, sự tập trung cao độ, người cúi gồng về phía trước. Trên tay mỗi người đều đã chuẩn bị cho mình một nhân vật, và chỉ chờ đến lúc khúc nhạc của tác phẩm vang lên sẽ hóa thân vào vai diễn. Các nghệ nhân với đôi mắt nhìn thẳng ra phía sân khấu đằng trước chiếc màn cót, bên ngoài khán giả sẽ không thấy những gì diễn ra bên trong nhưng những nghệ nhân bên trong hoàn toàn có thể quan sát mọi tình huống bên ngoài màn cói.

Trong đội diễn, có người khoảng ngoài 50 nhưng có người hơn thế, cái lạnh từ mặt nước ao xông lên dường như đã khiến những nếp nhăn trên khuôn mặt một vài người nghệ nhân gạo cội càng hiện rõ, tuổi tác có thể đã già nhưng nhìn đôi mắt sáng, những động tác điều khiển con rối dứt khoát, linh hoạt thì dễ dàng nhận thấy “các bác yêu nghề này lắm”…

Lượng khách đến làng Đào Thục khá đều đặn, lịch diễn dày đặc phục vụ bà con và du khách gần xa. Đây chính là một động lực để phường thu hút được nhiều thanh niên trẻ trong làng theo nghề, yêu và gắn bó giữ gìn nghề của cha ông.

Đến nay, phường rối Đào Thục đã có lực lượng khá đông đảo, lên đến 30 người và còn lưu giữ được 22 trò diễn dân gian như: đốt pháo bật cờ, câu ếch, trâu chui ống, đánh cáo bắt vịt, xay thóc giã gạo, tráng sỹ đả hổ... Ngoài ra còn có một số tiết mục mới xây dựng như: Hà Nội 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Những tích xưa được các nghệ nhân Đào Thục chuyển tải hóa thân vào những con rối vô hồn nhưng in đậm dấu ấn trong lòng người xem bởi các động tác nghệ thuật điêu luyện.

Các con rối đều do người làng Đào Thục làm với kỹ năng khéo léo truyền thống lâu đời, sử dụng rối máy sào dây. Con rối lắc đều và vung vẩy được cả 2 tay, dễ dàng sang phải, sang trái, đặc biệt con rối có thể đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại. Ông Tựu chia sẻ: "Muốn điều khiển được con rối phải học rất lâu, từ cách điều chỉnh dây kéo đến việc xoay rối sao cho nhịp nhàng, nhưng điều quan trọng nhất là phải yêu nghề".

Bởi thế nên, “cũng là một con rồng nhưng người thì chơi mang cảm giác cứng và khô, người lại thể hiện vô cùng uyển chuyển”. Các nghệ nhân ngâm mình dưới nước ngang đến thắt lưng, tay liên tục chuyển động, đôi mắt hướng về phía trước tập trung với sự tập trung cao độ, phối hợp nhịp nhàng từ người này với người kia. Không khí như một ngày hội nhỏ bởi tiếng đập nước của con rối, tiếng những cây sào va vào nhau tạo nên một bản tấu rất vui nhộn và đặc sắc.

Tận mắt chứng kiến hoạt động diễn ra sau màn cót xanh tại thủy đình, chúng tôi mới thực sự thấu, rằng ai cũng có thể chơi được rối, nhưng để trở thành nghệ nhân là điều không phải ai cũng có thể làm được…!/.

Nguồn: ĐCSVN

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT