Non nước Việt Nam

Điện Biên: Khôi phục nghề thêu, dệt thổ cẩm

Cập nhật: 21/05/2019 08:39:21
Số lần đọc: 1529
Với sự tiện lợi, giá thành rẻ của các sản phẩm may mặc, vải công nghiệp, nghề thêu, dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đang dần mai một. Từ việc tự tay làm ra những chiếc khăn, áo, túi thể hiện sự khéo léo thì hiện nay nhiều phụ nữ lựa chọn sản phẩm may mặc sẵn hay đặt làm. Ða số phụ nữ trẻ người Thái trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ từ khoảng 40 tuổi trở xuống không biết thêu, dệt hoặc rất ít khi thêu, dệt. Trước thực trạng đó, Phòng Văn hoá và Thông tin TP. Ðiện Biên Phủ lần đầu tiên tổ chức tập huấn bảo tồn, khôi phục nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Thái tại bản Noong Chứn, phường Nam Thanh với 10 học viên là phụ nữ trong bản.

Bà Lường Thị Âng, bản Noong Chứn, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) hướng dẫn học viên trẻ thêu khăn thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái.

Ðã xong mùa thu hoạch lúa, gác mọi công việc, ngày ngày 10 chị em bản Noong Chứn có mặt đầy đủ tại gia đình bà Quàng Thị Dinh (cũng là học viên) để cùng nhau học hỏi, nâng cao tay nghề thêu, dệt sản phẩm thổ cẩm truyền thống. Hướng dẫn phụ nữ trong bản là bà Lường Thị Âng (73 tuổi) và cô Quàng Thị Thiên đều là những người thuần thục, nắm giữ các kỹ thuật, giỏi công việc thêu, dệt truyền thống. Trong thời gian tập huấn học viên được hướng dẫn cách thức, quy trình thêu, dệt, hoàn thiện các sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc Thái, như: Khăn piêu, khăn tay, khăn cổ, áo, túi...; cách thêu, dệt các mẫu hoa văn truyền thống trên nền các chất liệu vải khác nhau và các mẫu sản phẩm, họa tiết thổ cẩm mới; thực hành trực tiếp dệt vải thổ cẩm trên khung cửi. Bà Lường Thị Âng cho biết: Trước đây, nữ dân tộc Thái từ 10 tuổi bắt đầu học thêu thùa, may vá, các sản phẩm thổ cẩm không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày của cá nhân, gia đình mà còn cần dùng cho các hoạt động tâm linh, tang lễ nên rất quan trọng và cần được truyền cho thế hệ sau. Hướng dẫn kỹ thuật thêu dệt cho chị em trong bản, tôi chuyên phụ trách hướng dẫn các chị em thêu thùa, còn chị Dinh hướng dẫn dệt khung cửi, cố gắng truyền dạy hết những gì mình biết cho phụ nữ trong bản, góp phần bảo tồn nghề truyền thống cũng như bản sắc văn hóa dân tộc.

Các sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ người Thái có rất nhiều họa tiết đa dạng khác nhau, tùy theo sự sáng tạo của từng người, như: hoa văn cây cành ban, con ngựa chở thóc, con cò, nhà cửa, cổng vào, hoa sen, hoa mướp, chân rết… Mọi đồ vật, con vật, sự việc diễn ra xung quanh đều có thể được chị em “khắc họa” lại thành các hoa văn trên khăn, áo, túi của mình. Trong lớp học này, các học viên không chỉ được hướng dẫn làm các họa tiết như vậy mà còn được bà Âng, cô Thiên hướng dẫn cách phối màu chỉ sao cho hài hòa, nổi bật, đẹp mắt nhất và dạy cách làm các họa tiết mới là con số, chữ cái cho các sản phẩm mang tính chất lưu niệm, phục vụ thương mại, du lịch.

Học viên trẻ tuổi nhất trong lớp tập huấn tại bản Noong Chứn là em Lò Thị Tiển Oanh (25 tuổi). Sau 2 ngày học thêu, Oanh đã xong công đoạn lên hình đường thẳng trang trí cuối chiếc khăn của mình và bắt đầu thêu họa tiết riêng mà em lựa chọn là nhà sàn. Với tay lấy cuộn chỉ màu chàm để thêu cột nhà, Oanh được bà Âng đưa cho cuộn chỉ hồng và giảng giải “kết hợp màu cần lựa chọn kỹ càng, nếu đã có xanh thì cần thêm đỏ, vàng, tím… để tổng thể hài hòa”. Tiếp tục thêu chiếc khăn của mình, Oanh chia sẻ: “Lúc bé em từng được mẹ dạy thêu thùa nhưng sau bận học và tham gia các hoạt động khác nên không còn cầm đến cây kim nữa, chưa có sản phẩm hoàn chỉnh nào cả. Khi biết tại bản mình có mở lớp tập huấn này, em đăng ký tham gia ngay vì yêu bản sắc dân tộc và mong muốn giữ lại những nét đẹp văn hóa cho những thế hệ tiếp sau”. Hầu hết các chị em trong lớp đều có con gái, cháu gái. Cặm cụi thêu thùa, các chị chuyện trò rôm rả và cùng bảo nhau, vài hôm nữa kết thúc năm học rồi cho các con, cháu ra đây luyện tập thêu những đường thêu cơ bản để học nghề thổ cẩm truyền thống của dân tộc và ít nhất biết khâu vá trong gia đình.

Bà Mai Thị Hường, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: “Lớp tập huấn nhằm bảo tồn, khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP. Ðiện Biên Phủ. Ðồng thời tạo sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống cả về vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn”. Ðặc biệt bản văn hóa Noong Chứn có bộ sản phẩm khăn piêu, khăn tay, khăn quàng cổ, túi Thái, áo chàm nam của hộ kinh doanh ông Lò Văn Phong được UBND tỉnh công nhận là 1 trong 14 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019, được tham gia trưng bày, giới thiệu tại nhiều sự kiện văn hóa, thương mại trong và ngoài tỉnh. Gia đình ông Lò Văn Phong cũng trưng bày, bán sản phẩm thổ cẩm do người thân, chị em trong bản tự tay làm ngay tại nhà hàng ẩm thực dân tộc của gia đình mình. Với danh tiếng được nhiều người biết đến như vậy, nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống tại bản Noong Chứn chắc chắn sẽ có điều kiện thuận lợi khôi phục, bảo tồn và phát triển hơn nữa, góp phần thu hút du khách, phát triển du lịch trên địa bàn thành phố.

 

Nguồn: baodienbien.com.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT