Non nước Việt Nam

Lưu giữ di sản nghề dệt ở vùng cao xứ Quảng

Cập nhật: 13/06/2019 10:13:33
Số lần đọc: 1738
  Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Tu đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014. Làng Công Dồn (xã Duôih, Nam Giang) là nơi lưu giữ di sản nghề dệt quý giá của vùng cao xứ Quảng.


Pơling Muối đang truyền dạy kỹ thuật dệt cho một thợ trẻ. Ảnh: TẤN VỊNH

Nỗ lực giữ nghề truyền thống

Là làng nghề có một không hai ở miền núi Quảng Nam nhưng vì những khó khăn về nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm… nên làng dệt Công Dồn có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Nhiều hộ không còn trồng bông, cây bông vải cũng dần bị mất giống. Ngày xưa, phụ nữ trong làng ai cũng biết dệt thì gần đây số người biết dệt vải chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thời gian trôi qua, nhiều thợ dệt lành nghề lớn tuổi trong làng lần lượt về với tổ tiên, có người chưa kịp truyền lại bí quyết của nghề thủ công truyền thống cho lớp trẻ. Năm 2018, nghệ nhân Tơngôl Adớp, thợ dệt lớn tuổi cuối cùng của làng cũng ra đi. Điều may mắn là trước khi rời bỏ buôn làng, cụ bà đã kịp truyền dạy cho một số thợ dệt trẻ ở làng Công Dồn. Đặc biệt nhóm dệt của Pơling Muối - con gái cụ tiếp tục theo đuổi nghề dệt thổ cẩm, giữ gìn báu vật, tinh hoa của làng.

Ngay từ lúc nhỏ, Pơling Muối đã được mẹ chỉ bày về nghề dệt thổ cẩm. Lúc nghề dệt đang còn thịnh hành, mấy mẹ con chị suốt ngày bận rộn trên rẫy bông và bên khung dệt. Muối học từng đường kim mũi chỉ, nắm vững kỹ thuật dệt, tạo hoa văn, sắc màu thổ cẩm... Ngoài việc chăm sóc lúa rẫy để có lương thực, lo cho “cái ăn”, gia đình Pơling Muối còn làm một cái rẫy nhỏ để gieo trồng cây bông vải, lo “cái mặc” cho cả nhà. Khi quả bông chín thì thu hái về để bảo quản và chế biến thành sợi và cuối mùa chọn hạt làm giống. Đối với bà con miền núi, hạt giống bông vải cũng quý giá không kém gì giống lúa nương cho những hạt gạo dẻo thơm sau mùa thu hoạch. Chồng của Pơling Muối làm ngôi nhà sàn nhỏ gần bên rẫy bông để thuận tiện cho việc canh cửi. Anh cũng chịu khó vào rừng tìm cây tarâm, loại cây để chế biến thuốc nhuộm vải mang về trồng ở gần vườn nhà. Trong nhà luôn để sẵn khung dệt, ché đựng thuốc nhuộm, giàn phơi sợi và một số dụng cụ khác chuyên dùng cho việc nhuộm màu và dệt vải. Mỗi lần nhuộm vải là mẹ con chị Pơling Muối có ngay “cây nhà trồng”, không cần phải vất vả đi xa tìm kiếm. Một gia đình lặng thầm nâng niu, giữ gìn di sản.

Cơ hội phục hồi

Nghề dệt của làng đã được vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, mang lại niềm tự hào cho cộng đồng dân tộc Cơ Tu, nhưng nỗi lo đánh mất di sản vẫn canh cánh. Trong khi một số địa phương khác thuận tiện về giao thông, phát triển dịch vụ du lịch, nghề dệt được duy trì, thì làng Công Dồn, nơi bắt nguồn, lưu giữ tinh hoa nghề dệt lại không được nhiều người biết đến. Một số nơi khác, nhờ có sự hỗ trợ, nhờ nguồn nguyên liệu như sợi, len sẵn có ngoài thị trường, nên nghề dệt ở thôn Zara (xã Tà Bhing), Đhờ Rồng (xã Tà Lu), được duy trì, nhiều người có việc làm, có sản phẩm để bán cho du khách, có nguồn thu nhập ổn định. Có nơi còn được hưởng lợi từ dự án, hỗ trợ của bên ngoài như làng dệt Zara. Festival di sản tại Quảng Nam và các tỉnh bạn, thợ dệt ở làng Zara được mang sản phẩm, khung dệt, tay nghề đi giới thiệu nhiều nơi. Thật đáng tiếc, làng dệt Công Dồn không có điều kiện để duy trì hoạt động và phát triển. Nghề dệt chỉ còn hoạt động cầm chừng ở một vài gia đình và nhóm thợ dệt nhỏ lẻ như trường hợp của Pơling Muối.

Nhưng điều may mắn lại đến một cách bất ngờ: Pơling Muối và nhóm thợ dệt làng Công Dồn đã được mời đến Khu du lịch sinh thái Vinpearl Nam Hội An để tham gia thực hành và trình diễn nghề dệt cho khách tham quan. Tại đây, có 4 thợ dệt Cơ Tu lành nghề, người dệt vải, người kéo sợi, người chế biến thuộc nhuộm, cùng với các nghệ nhân thuộc các ngành nghề khác tạo nên làng nghề sôi động tại “Đảo văn hóa dân gian” Vinpearl Nam Hội An. Họ làm ra những sản phẩm đầu tiên mang hơi thở, sắc màu truyền thống. Nhờ có nguồn bông vải tại chỗ, thuốc nhuộm màu, khung dệt truyền thống và những công cụ hỗ trợ như xa quay sợi, bật bông, tách hạt... nên các thợ dệt Cơ Tu thực hành một cách khéo léo, tự nhiên nghề dệt truyền thống của mình chứ không phải mang tính chất biểu diễn. Một số bí quyết nghề dệt, canh cửi cũng đã được phát huy tại đây, tiêu biểu là kỹ thuật nhuộm bao sợi (ikat). Điều đáng mừng là Pơling Muối và nhóm thợ dệt của làng mình đã dệt được những sản phẩm có giá trị với hoa văn, sắc màu truyền thống đặc trưng tưởng đã thất truyền. Tiêu biểu là những tấm thổ cẩm có hoa văn gợn sóng, được xem là tinh hoa làm nên “thương hiệu” của làng dệt Công Dồn.

Từ chỗ làng nghề đứng trước nguy cơ mai một thì hôm nay đã bước đầu được phục hồi. Trong thời gian tới, khi Đề án Bảo tồn phát triển văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam được thực hiện, nghề dệt của đồng bào Cơ Tu ở làng Công Dồn và một số bản làng khác sẽ có cơ hội phục hồi, phát triển. Cùng với nỗ lực tự thân, đây sẽ là nguồn lực lớn vừa tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc vùng cao, vừa tiếp sức để giữ gìn di sản quý giá: Nghề dệt và trang phục truyền thống - yếu tố quan trọng làm nên bản sắc độc đáo của dân tộc Cơ Tu.

 

Nguồn: Baoquangnam.vn

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT