Non nước Việt Nam

Trồng lanh, dệt vải - bản sắc văn hóa truyền thống của người Mông

Cập nhật: 10/07/2019 07:55:39
Số lần đọc: 1250
Từ bao đời nay, nghề trồng lanh, dệt vải luôn gắn bó với phụ nữ đồng bào dân tộc Mông ở Cao Bằng. Những bộ váy, áo của người Mông được dệt từ sợi lanh đã tạo nên sắc màu rực rỡ cho các phiên chợ, là sản phẩm truyền thống đặc sắc thấm đượm tinh hoa văn hóa đồng bào dân tộc Mông ở Cao Bằng.


Phụ nữ Mông dệt vải lanh.

Cây lanh được trồng trên nương ven chân núi, hay các thung lũng nhỏ cạnh nhà để tiện chăm sóc. Vào khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch, khi bắt đầu có mưa, người Mông gieo hạt lanh. Hạt lanh được gieo dày để cây mọc thẳng và gầy, không có nhiều cành, nhánh và cho chất lượng tốt. Cây lanh lấy sợi được thu hoạch sau khoảng 60 - 70 ngày kể từ ngày gieo hạt.

Sau khi thu hoạch, người ta cắt bỏ lá, ngọn rồi xếp đứng thân cây bên hiên nhà, để 10 - 15 ngày cho đến khi thân cây khô hoàn toàn. Sau đó bó thân cây lanh lại thành từng bó. Cây lanh được bẻ đôi rồi tách vỏ ra khỏi phần lõi. Tẽ vỏ cây lanh thành những sợi nhỏ, mỗi cây thường cho 8 - 12 sợi, sợi dài nhất có thể dài đến 1,5 - 1,6 m. Dùng chân giẫm hoặc giã sợi lanh để tróc bỏ lớp màng bám trên vỏ, làm cho sợi lanh mềm và sạch. Sau đó đến công đoạn nối sợi lanh.

Đây là công đoạn mất nhiều thời gian và phải có sự kiên nhẫn. Phần đuôi của một sợi lanh sẽ được tẽ đôi dài khoảng 10 cm, chèn đầu sợi lanh tiếp theo vào rồi xoắn chắc lại để không thể trông thấy vết nối giữa hai sợi. Phụ nữ Mông thường quấn quanh bụng và tay những bó sợi, sử dụng thời gian rỗi rãi để nối sợi lanh. Để sợi lanh được chắc hơn, người Mông sáng tạo ra một dụng cụ đặc biệt để se sợi gọi là “che tu”. Dụng cụ này yêu cầu phải phối hợp chân và tay một cách nhịp nhàng, cùng một lúc có thể se được 4 - 5 sợi lanh.

Sau đó, sợi lanh được quấn quanh khung hình vuông nằm ngang làm bằng tre gọi là “khẩu lỵ” để sợi lanh duỗi thẳng. Kết thúc công đoạn này, người Mông bó sợi lanh thành từng bó. Sợi lanh được ngâm qua đêm trong nước tro lọc, luộc trong nước tro lọc trong vài giờ để cho mềm và trắng ra. Sau đó được giặt lại bằng nước sạch và phơi khô; luộc sợi lanh như vậy ba lần, đến lần luộc cuối cùng cho thêm sáp ong để làm mềm và trơn sợi lanh, đun trong vài giờ rồi vớt sợi lanh lên phơi khô.

Sợi lanh được làm cho mềm và sáng bằng cách đưa bó sợi vào giữa khúc gỗ tròn và tấm đá phẳng. Sau đó, người phụ nữ sẽ đứng trên tấm đá và nhún bên phải, bên trái như trò bập bênh. Công đoạn này giúp cho sợi lanh được mềm mại và sáng bóng hơn. Khung “khẩu lỵ” lại được sử dụng một lần nữa để duỗi căng sợi vải rồi cuốn sợi thành từng cuộn.

Sợi lanh đã được làm mềm được lên khung dệt. Khi dệt vải các nút nối sợi nằm ở mặt trên nên vải lanh có mặt phải, mặt trái. Phụ nữ Mông tranh thủ dệt vải vào những lúc họ rỗi rãi, sau khi đã xong công việc đồng áng và chăm sóc gia đình. Công đoạn dệt vải kéo dài  vài tháng trời, thường bắt đầu từ sau khi thu ngô cho đến tận cuối năm.

Vải lanh sau khi được gỡ ra từ khung dệt được luộc nước tro lọc trong vài giờ đến khi mềm và trắng ra, sau đó được giặt sạch và phơi khô, công việc này được làm đi làm lại nhiều lần để vải càng trắng càng tốt. Cuối cùng, vải lanh lại được lăn bằng khúc gỗ và tảng đá phẳng để làm mềm, phẳng và sáng tấm vải.

Phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành đều được học nghề dệt vải lanh. Một người phụ nữ có tài giỏi, chăm chỉ, khéo léo hay không cũng được đánh giá qua tay nghề dệt vải lanh. Để dệt một bộ trang phục truyền thống của người Mông từ vải lanh có khi mất cả năm trời vì phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp.
Không chỉ đơn giản được sử dụng để làm trang phục, cây lanh đã trở thành một trong những biểu tượng văn hóa và có một vị trí quan trọng trong đời sống của người Mông. Vải lanh còn có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông. Họ tin rằng chỉ có trồng lanh, dệt vải mới giữ được mối liên hệ với tổ tiên của họ.

Trong những năm gần đây, nghề dệt lanh đang mang lại thu nhập và là hướng thoát nghèo cho đồng bào dân tộc Mông ở nhiều địa phương khi kết hợp với phát triển du lịch. Phụ nữ Mông đã năng động tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới phục vụ khách du lịch tại nhiều điểm du lịch như: Khăn trải bàn, vỏ gối, mặt địu, ví, túi... từ vải lanh với nhiều màu sắc và các họa tiết hoa văn tinh tế, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước yêu thích mua về làm quà tặng cho người thân, bạn bè./.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT