Hoạt động của ngành

Thanh Hoá: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Cập nhật: 13/02/2009 15:02:47
Số lần đọc: 3109
Sự đa dạng, giàu có của di sản văn hóa xứ Thanh là hội tụ sự đặc sắc văn hóa của các tộc người... Trong những năm qua, nhìn chung, các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nhận diện và phát huy.

Di sản văn hóa xứ Thanh được tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, ở những vùng miền, những tộc người khác nhau. Với hệ thống quần thể di tích đậm đặc, gồm 1.535 di tích lịch sử – văn hóa gắn với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong đó có 577 di tích được xếp hạng (136 di tích quốc gia, 441 di tích cấp tỉnh), không những có giá trị đặc trưng mà còn đa dạng về thể loại. Xứ Thanh còn là một vùng đất chứa đựng nhiều vốn văn hóa phi vật thể vô cùng  độc đáo, mang sắc thái riêng của 7 dân tộc anh em, với 160 lễ hội truyền thống, liên quan đến lịch sử danh thắng được Nhà nước công nhận; 50 lễ hội liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo.         

 

Nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của người dân xứ Thanh còn chứa đựng nhiều vốn văn hóa dân gian đang tiềm ẩn, lưu truyền trong nhân dân. Chỉ tính riêng dòng dân ca, dân vũ và nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số như sắc bùa của người Dao, pồn pôông của người Mường, kin chiêng boọc mạy của người Thái...; chưa kể đến xứ sở của những làn điệu dân ca tha thiết trữ tình của dân tộc Kinh như hò sông Mã (nằm ở lưu vực sông Mã, sông Chu), dân ca Đông Anh (ở vùng núi Đọ), trò diễn Xuân Phả... Ngoài ra, nhiều truyền thuyết, phương ngôn, ca dao và vè lịch sử của từng tộc người đã nói lên bản lĩnh, nét văn hóa độc đáo của người dân xứ Thanh. Bên cạnh hệ thống nhà cổ, đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật là những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như làng đúc đồng  ở Thiệu Hóa, dệt chiếu ở Nga Sơn, chế tác đá mỹ nghệ ở Đông Sơn, nghề mộc ở Hoằng Hóa... Tất cả cho thấy đời sống tinh thần vô cùng phong phú của người xứ Thanh xưa, vẫn được gìn giữ đến ngày nay, đồng thời cũng cho thấy giá trị văn hóa đậm nét của vùng đất cổ này.

 

Sự đa dạng, giàu có của di sản văn hóa xứ Thanh là hội tụ sự đặc sắc văn hóa của các tộc người... Trong những năm qua, nhìn chung, các loại hình di sản văn hóa vật thể,  phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nhận diện và phát huy. Ngành văn hóa tỉnh luôn xác định xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là những nhiệm vụ quan trọng. Hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được công nhận, tu bổ, tôn tạo; rất nhiều cổ vật, di vật đã được bảo vệ... Các lễ hội truyền thống, liên hoan nghệ thuật dân tộc, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, nếp sống đẹp... đã được phục hồi và phát triển. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, toàn dân bảo vệ và phát triển văn hóa đã tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa cũng như nền văn hóa dân tộc. Những thành tựu đạt được đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước, của toàn dân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để xây dựng nền văn hóa mới.  Từ đó, đã huy động được nhiều nguồn lực (từ trung ương, địa phương và từ cộng đồng) cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích, lễ hội trọng điểm như: Lam Kinh, Bà Triệu, Lê Hoàn, Thành nhà Hồ,... Đặc biệt, tỉnh ta đã dành nhiều kinh phí tu bổ thường xuyên, chống xuống cấp các di tích, kể cả di tích được xếp hạng cấp quốc gia lẫn cấp tỉnh. Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số phong tục, tập quán và lễ hội... Sưu tầm và trưng bày 2 phòng trang phục dân tộc Thái, Mường tại Bảo tàng tỉnh. Nhiều công trình khoa học có giá trị như “Sưu tầm, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn, khôi phục và phát huy văn hóa phi vật thể của người Mường Thanh Hóa”, “Sưu tầm và bảo lưu một số trò chơi, trò diễn của người Mường Thanh Hóa”...

 

Tuy nhiên, trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc cũng nổi lên một số hiện tượng đáng quan tâm, gây bức xúc trong xã hội. Đó là tình trạng xâm hại, lấn chiếm, phá hoại di tích; lấy cắp cổ vật và đồ thờ tự trong đền, chùa; hiện tượng mê tín dị đoan gia tăng; lễ hội truyền thống còn nhiều lộn xộn; việc tổ chức cưới xin, tang lễ còn nhiều hủ tục... Mặt khác, do trình độ và nhận thức của cán bộ văn hóa cơ sở còn thấp nên việc tổ chức thực hiện các nội dung của đề án ở cơ sở chưa tập trung, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa, nhất là di sản phi vật thể chưa vững chắc so với yêu cầu đặt ra. Số lượng di sản văn hóa sưu tầm được tuy phong phú nhưng so với thực tế chỉ chiếm số lượng nhỏ, số di sản có nguy cơ mai một nhanh ngày càng tăng. Phần lớn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số đã sưu tầm được là những sản phẩm văn hóa phi vật thể chỉ tồn tại trong môi trường văn hóa truyền thống. Việc khôi phục, duy trì, phát huy và quảng bá về giá trị các di sản văn hóa còn hạn chế, chưa tạo được sự chuyển biến nổi bật để nhiều người biết đến. Việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các di sản cùng với việc phân cấp quản lý các di tích trọng điểm cho chính quyền địa phương trong tỉnh chưa đồng bộ, khiến cho công tác quản lý thiếu thống nhất, không theo quy hoạch, không theo mục tiêu bảo tồn của tỉnh và chưa quản lý được nguồn thu. Các hạng mục lớn trong đề án liên quan đến xây dựng cơ bản như bảo tàng, làng văn hóa các dân tộc chưa được triển khai. Do vậy, mặc dù số lượng các hiện vật sưu tầm được khá lớn, nhiều hiện vật có giá trị nhưng công tác trưng bày, giới thiệu cho đông đảo nhân dân chưa thực hiện được. Hạn chế đó dẫn đến một hệ quả là nhiều di tích bị hư hỏng, mất mát mà không được kịp thời khắc phục, thậm chí bị lãng quên; nhiều di sản văn hóa phi vật thể bị mai một.

 

Theo ông Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch) cho biết: Trong thời gian tới, ngành Văn hoá, Thể thao & Du lịch sẽ tiếp tục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để tạo hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện; đề án bảo tồn văn hóa phi vật thể trong đó có sự vận động xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tiến hành điều tra, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể cấp thiết cần được bảo tồn; gắn việc bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút nhiều hơn nữa khách tham quan tới các di tích lịch sử - văn hóa, như: bảo lưu ngôn ngữ, nhạc cụ cồng chiêng; khôi phục lại các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ; tổ chức “Ngày hội văn hóa các dân tộc của tỉnh”... Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành và cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, qua đó nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc xã hội hóa công tác bảo tồn di sản văn hóa...  làm cho nhân dân hiểu, cho mọi người, mọi ngành hiểu về những giá trị ấy, chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Cùng chuyên mục