Tà Oái - Một làn điệu dân ca độc đáo của người Vân Kiều, Quảng Trị
Dưới trời khuya và trăng sao, những bài hát giao duyên về tình yêu dịu dàng cất lên. Lối hát này, đồng bào dân tộc Vân Kiều gọi là Tà Oái - một làn điệu dân ca độc đáo mà các chàng trai, cô gái thường dùng để thổ lộ tình cảm, tình yêu...
Tà Oái là một lối hát ví von, có giai điệu, cung bậc rõ ràng. Những ai có năng khiếu sáng tạo nghệ thuật, có đầu óc liên tưởng thì có thể vừa hát hay, vừa sáng tác những bài hát có nội dung hay, có sức hấp dẫn, thể hiện được nỗi niềm, ước muốn của mình với bạn tình. Ðáp lại lời ca như một lời nhắn gửi, tìm kiếm đó, người con trai hoặc con gái sẽ thổ lộ tâm trạng, nỗi lòng của mình một cách tình tứ, ý nhị và sâu sắc.
Em ước mơ đến anh
Không biết rồi mơ ước có thành không?
Hoặc:
Em ở chòi bên này thao thức đợi anh
Muốn thổi kèn aman nhưng lại thiếu một người
Kèn aman không thổi một mình
Em biết thương ai bây giờ ngoài anh.
Tình yêu và những lời hẹn ước, thủy chung thông qua lời ca Tà Oái được không gian thanh vắng của núi rừng chắp cánh bay xa, dìu dắt hai tâm hồn "đồng điệu" tìm đến với nhau. Càng về khuya, đôi uyên ương càng xích lại gần nhau, giọng ca càng trở nên quấn quýt, gắn bó lạ thường, âm điệu càng thổn thức, sâu lắng hơn:
Thương em đến nỗi sầu
Nhớ em đến nỗi ốm
Ước gì gan mật trở về nhau mãi mãi
Câu hát Tà Oái chính là thông điệp của tình yêu mà những chàng trai, cô gái Vân Kiều gửi gắm cho nhau, giúp họ vượt qua các trở lực ngăn cản, hoàn cảnh éo le để đến với nhau nên vợ, nên chồng. Những lúc đó, lời ca của họ cất lên có âm điệu buồn bã như một tiếng thở dài, than thở cho tình yêu trắc trở và số phận của đôi lứa. Không ít những đôi trai gái với khát vọng yêu đương nhờ lời ca Tà Oái đã làm xiêu lòng bố mẹ để rồi họ bỏ qua những mâu thuẫn, mối bất hòa giữa hai dòng họ, bản làng mà tạo điều kiện cho đôi trai gái đó đến với nhau. Nhiều lời hát Tà Oái có sức sống mãnh liệt, vượt qua thời gian, không gian, đi vào kho tàng văn hóa dân gian, sống mãi đến tận hôm nay.
Các chàng trai và cô gái Vân Kiều khi hát trong các lần "đi sim" thường sử dụng nhiều nhạc cụ kèm theo. Có thể họ dùng sáo khui với âm điệu vi vu trầm bổng, réo rắt; dùng đàn ta lư thánh thót, dùng khèn bè với âm thanh rộn ràng, lôi cuốn và các nhạc khí khác như: aman, achung tính tông (đàn một dây), cập achung (đàn ba dây)... thích hợp cho lối nói bóng gió, giàu hình ảnh và được ưa chuộng trong các lần "đi sim". Các chàng trai và cô gái Vân Kiều nhận biết thông điệp về tình yêu qua các nhạc cụ này rất nhạy và giỏi.
Ngày nay, cứ mỗi độ Xuân về, Tết đến, sau mùa thu hoạch nương rẫy là các chàng trai, cô gái Vân Kiều thể hiện nét đẹp văn hóa độc đáo của mình để khơi dậy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó hát Tà Oái được tổ chức thường xuyên và có nhiều tiết mục hay được chọn lựa tham dự tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng của địa phương và khu vực được mọi người hâm mộ đón chào nhiệt liệt. Với sự tinh tế, độc đáo, tin rằng làn điệu Tà Oái của người Vân Kiều sẽ được lưu truyền mãi mãi.