Thú vui chơi đu ngày Tết
Ngày trước ở vùng Mường Lò, vào mùng 5 tết bao giờ cũng tổ chức chơi đu ở bản Khinh, xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn. Đây thực sự là ngày hội của tam tổng: Mường Lò, Mường Cha, Mường Da. Trong ngày hội này còn tổ chức nhiều trò chơi có thưởng cho mọi lứa tuổi tham gia như: tung còn - tọt cón, đi cầu độc mộc - cáu khua luổn, bịt mắt đập nồi đất - pảy nả tói mỏ đin, bắn nỏ - pén nả, chọi quả lẹ - tó mắk lẹ, đẩy gậy - tó tếch. Song trung tâm của ngày hội vẫn là chơi đu. Đây là nơi các chàng trai, cô gái can đảm nhất tham dự, ngầm đua tài.
Có hai loại đu, đu dây - chọng chá và đu quay - chọng chá pín. Đu dây làm bằng dây song được buộc vào một tấm gỗ nhỏ làm chỗ đứng và được treo trên một khung bằng tre, hóp. Loại đu này có thể một người đu hoặc hai người cùng đu, thường là một đôi trai gái. Đu quay hình tròn, cấu tạo gần giống cái cọn nước, làm bằng tre, hóp, gỗ, đường kính từ 3 mét đến 5 mét, có giá treo làm chỗ ngồi cho từng đôi một, loại đu này nhiều người cùng chơi được một lúc. Tâm của đu quay có trục xuyên qua khung giữ và có hệ thống bàn đạp ở hai bên do các chàng trai khỏe mạnh đạp cho đu quay. Khi chơi từng đôi, từng đôi ngồi sát bên nhau hồi hộp thích thú khi đu quay nhanh dần. Con người được hưởng cái cảm giác thích thú khi từ trên cao như rơi tự do xuống thấp rồi lại lao vút lên. Các cô gái quên cả e lệ, ôm chặt lấy bạn trai ngồi bên. Tất cả như hòa làm một trong vòng quay nhân ái. Mọi người trong hội reo hò cổ vũ vang động cả núi ngàn.
Ở trò chơi đu quay, người chơi đã được hưởng cái cảm giác lâng lâng bay bổng diệu kỳ, hòa cùng đất trời và vạn vật thì ở trò chơi đu dây, con người như được chắp cánh bay lên giữa bầu trời cao rộng như cánh chim tung cánh giữa mây trời. Trên hai dây đu, ngang tầm vai người chơi còn được buộc hai ống nước đầy. Đu lên càng cao làm cho nước đổ khỏi ống càng nhiều, người chơi được trao phần thưởng làm kỷ niệm. Phần thưởng dẫu chỉ là chiếc khăn thêu hoặc đồng hào bạc trắng nhưng đem lại cho người thắng cuộc niềm vui to lớn.
Nếu là một người đu, người chơi như được hưởng cảm giác giống như khi một mình đi trong rừng sâu hoặc chèo thuyền vượt qua dòng sông thác ghềnh hiểm trở thì ở đu đôi, người chơi được chung sức chung lòng. Bên trai nhún, bên gái đu, đôi người như bay lên giữa trời xuân lồng lộng. Mỗi người thêm tự tin hơn. Ước mơ một cuộc sống hạnh phúc cứ phơi phới trong tiếng hò reo cổ vũ và tiếng hát đồng thanh của mọi người:
"Khí chọng chá, chá/Kha bỏng bốk/Chộ mạy pao/Xao hướn tở/Pạư hướn nưa/Mák khưa súc/Mák pục sổm/Khẩu tủm van/Khí chọng chá, chá".
Có nghĩa là: “Nắm dây đu, đu/ Đôi chân như hai ống nứa/ Ta bay cao/ Cho ống nước đổ xuống/ Lúc em trên/ Khi em dưới/ Cho quả cà chín/ Cho quả bưởi chua/ Bánh tết thêm ngon/ Cơm chan nước lã thành ngọt/ Nắm dây đu, đu”.
Lời hát giản dị nhưng cháy bỏng khát vọng chân chính về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người lao động. Con trẻ thấy mình lớn hơn lên, người già bâng khuâng nhớ lại tuổi thanh xuân. Đất trời và con người như hòa trong hương xuân hồn hậu.
Tan hội, mọi người bịn rịn chia tay, trai bản gái mường lưu luyến hẹn hò gặp gỡ. Mỗi người thêm gần gũi, chan hòa với nhau hơn cũng như thêm tin yêu vào cuộc sống. Mùa xuân và tình yêu bất diệt đã gieo những hạt mầm hạnh phúc trong trái tim của mỗi người.