Lễ Rằm tháng Giêng - Nét văn hoá cần được giữ gìn
Tại một số điểm như: chùa Quán Sứ, Phủ Tây Hồ, chùa Hà, chùa Phúc Khánh, đền Ghềnh, chùa Bồ Đề...lượng khách trung bình những ngày này lên đến hàng nghìn.
Chưa đến 9 giờ sáng, Phủ Tây Hồ (phường Quảng An-quận Tây Hồ) đã chật ních khách hành hương. Chỗ gửi xe, hàng quán sắp xếp ngăn nắp hơn; sách bói toán không còn bày la liệt, hiện tượng giả sư khất thực, lê lết ăn xin không còn. Ngay cả việc hoá vàng mã, hương khói nghi ngút cũng được khắc phục. Dễ thấy người đi lễ đông và hướng thiện, lễ vật mang theo phần lớn chỉ là một chút vàng tiền, hoa quả, nén hương, tiền "dầu đèn" đều tập trung vào hòm công đức, không bạ đâu gài đấy như trước. Thanh thản lễ Thánh, ngắm cảnh Phủ và hưởng gió lành từ hồ Tây, bà Vũ Thị Nghiệp 69 tuổi (xã Đồng Quang, Từ Sơn-Bắc Ninh) cứ tấm tắc “đi lễ mà trật tự, không phải chen lấn như thế này thích quá !”. Đây là lần đầu tiên bà về Hà Nội đi lễ đầu năm và đã kịp qua Bia Bà, đền Ngọc Sơn, chùa Quán Sứ, đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc. Đầu xuân, đi lễ và phải “nếm” cảnh xô đẩy ở đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), bà Nghiệp thật sự hài lòng với cung cách tổ chức văn minh lịch sự, ngăn nắp tại các điểm thờ tự Hà Nội.
Ông Trương Tín Hồi, thành viên Ban Quản lý di tích Phủ phấn khởi cho biết: năm nay toàn bộ 48 pho tượng thờ tại Phủ Tây Hồ được thay mới bằng tượng đồng sáng đẹp. Từ 22 giờ đêm Giao thừa Kỷ Sửu, khách đã đến vái vọng rất đông; 5 giờ sáng mùng 1 Tết, Phủ bắt đầu mở cửa và từ mùng 2 đến mùng 7 Tết, trung bình mỗi ngày Phủ đón xấp xỉ 1 vạn lượt khách; ngày rằm số khách hành hương còn tăng lên rất nhiều và đông kéo dài trong cả tháng Giêng. Năm nay, công tác tổ chức, an ninh trật tự tại Phủ Tây Hồ có nhiều điểm mới, với sự tham gia phối hợp của cảnh sát giao thông, lực lượng 113, thanh tra giao thông của Quận. Chính quyền địa phương và BQL Phủ đã xây dựng kế hoạch phối hợp, phân công từng đầu việc cụ thể và thường xuyên tiến hành kiểm tra đột xuất nhắc nhở các hàng quán kinh doanh chấp hành các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại các Cung, các Toà và khu vực ngoài sân Phủ được bố trí 8 camera nhỏ theo dõi an ninh, cùng với hệ thống loa truyền thanh thường xuyên nhắc nhở. Ở các cửa ra vào luôn có 5 bác cao tuổi trong Hội Cựu chiến binh túc trực trông nom, hướng dẫn bà con đi lễ. Tại đây còn có 4 người thường xuyên quét dọn, vệ sinh, thu gom rác.
Tại chùa Hà - phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (di tích đã được xếp hạng năm 1996) khách hành hương cũng đông nghịt. Nơi đây được dân gian lưu truyền là “thiêng” trong cầu tài, cầu lộc và đặc biệt là cầu duyên. Tuy khách đông, nhưng đường đi lối lại rất phong quang, sạch sẽ. Trông nom cụm di tích đình-chùa Hà là Ban quản lý gồm gần chục cụ đều 70-80 tuổi. Cụ Nguyễn Quang Hoán, 81 tuổi cho biết: Để chuẩn bị cho dịp lễ đầu xuân, chính quyền Quận, Phường và Ban quản lý đã thống nhất phương án phân công từng việc cụ thể, từ công tác an ninh trật tự đến vệ sinh môi trường, nhắc nhở khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự, tín ngưỡng. Các cụ cũng xây dựng phương án riêng cho công tác phòng chống cháy nổ, bổ sung các bình bọt và phân công người trực ở các cửa lên điện thờ. Nhờ kiên trì tuyên truyền, việc thắp hương khói trước trăm phần giờ chỉ còn 1, 2 phần và không có đốt mã trong di tích. Năm nay, nhà đón tiếp khách của chùa Hà đã hoàn thiện, với các rầm cột bằng gỗ lim chắc chắn; nhà trông đồ miễn phí cho khách đặt ngay cổng vào có 200 ô đựng thuận tiện, khách đến gửi đồ đông hơn, nhưng không hề có chuyện nhầm lẫn. Quận Cầu Giấy đang có chủ trương mở rộng khuôn viên cụm di tích chùa Hà, phương án di dời khu nghĩa trang kế bên chùa cũng đã được bàn đến, để nơi đây trở thành điểm thờ tự, tín ngưỡng văn minh, sạch đẹp của Thủ đô.
Cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, ngày rằm tháng Giêng, nhiều khách hành hương còn đến cầu phúc tại chùa Bồ Đề (quận Long Biên), với mong muốn chia sẻ cùng ni sư trụ trì Đàm Lan nghĩa cử cao đẹp mang đến hạnh phúc cho những trẻ mồ côi , tật nguyền khốn khó và những người già cô đơn. Chùa Bồ Đề hiện đang nuôi dưỡng 65 trẻ em hoàn cảnh khó khăn(trong đó có 32 trẻ từ hơn 1 tháng đến 1,5 tuổi) và 10 cụ già không nơi nương tựa. Kể tên các bé mới hơn tháng tuổi bị bỏ lại chùa như: Thục Anh, Linh Anh, Tân Anh, ni sư Đàm Lan cho biết: năm 2008 nhà chùa đã cho xây lại khu nhà dành cho trẻ em mồ côi, khuyết tật với 6 phòng rộng rãi. Trước Tết nguyên đán, chùa lại đón về nuôi bé Quang Anh, chưa đầy tháng tuổi. Nuôi ăn không khó, nhưng để dạy dỗ, tạo điều kiện cho các cháu học tập thành người không đơn giản. Nhà chùa vẫn muốn tìm một khu đất rộng hơn để phát tâm công đức xây dựng Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi để các cháu có được chỗ ăn ở đàng hoàng hơn. Nhà chùa đang chuẩn bị xây dựng lại chùa Bồ Đề, dự kiến khởi công vào tháng 8 năm nay và cố gắng đến Tết 2010 sẽ xong tầng một để đón khách hành hương lễ Phật.
Ngày rằm tháng Giêng, trở về chùa Phúc Khánh (chùa Sở-quận Đống Đa) chứng kiến cả chục ngàn người từ khắp nơi trong Thành phố chuẩn bị dự lễ cầu an, cầu phúc cho mỗi gia đình, cầu cho quốc thái dân an trong trật tự, mới hay để giữ gìn nét văn hoá đẹp lễ chùa đầu xuân, khâu tuyên truyền, vận động và phối hợp tổ chức giữa nhà chùa, nhà đền và chính quyền địa phương là rất quan trọng. Và hơn hết vẫn là ý thức tự thân của mỗi người, để việc thiện, việc phúc, vượng tài, đắt duyên sớm được linh hiển./.