Non nước Việt Nam

Lễ rước Vua: Lễ hội độc đáo của làng Thụy Lôi, Hà Nội

Cập nhật: 06/02/2009 16:03:38
Số lần đọc: 2210
Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 35 km về phía Bắc, làng Thụy Lôi (thuộc xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội), là một làng cổ gần khu di tích Thành Cổ Loa. Lễ hội truyền thống rước vua của làng diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm.

Đầu năm Kỷ Sửu, trong bầu không khí ấm áp, lất phất mưa phùn rất đặc trưng cho tiết Xuân phương Bắc, Thụy Lôi lại mở hội làng. Từ sáng sớm, khắp đường thôn, ngõ xóm đã nhộn nhịp tiếng kèn, tiếng trống. Người già, trẻ nhỏ và các nam thanh nữ tú ai nấy đều xúng xính trong những bộ áo mão đỏ, vàng để rước kiệu vua, chúa cùng các quan đại thần.

Các quan tước gồm: Đô tướng vua "Ông Đám"; Phó đô tướng chúa Rùa Vàng được gọi là "Thanh Giang Xứ"; Quan Thự vệ; Quan Tán Lý; Quan Đề Lĩnh; Quan Trấn Thủ là do Hội Hương lão của thôn họp lại và bầu ra hàng năm. Vai vua là một bô lão tròn 70 tuổi, là người có đức độ và sức khỏe. Kiệu rước tập kết ở gia đình các vị bô lão được đóng vai vua, quan từ hôm trước để sáng hôm sau rước các ngài ra đình làng bái yết. Những người khéo léo thì gói bánh chưng, bánh cốm, bánh gai để dâng lễ. Làng cũng chọn gà ngon, lợn béo, đồ xôi làm lễ tế. Đình Thụy Lôi có kiến trúc cổ đồ sộ với những cột lớn, mái uốn, đao cong hiện là đình lớn nhất huyện Đông Anh. Xưa kia, đình là nơi tụ hội của vua Thục An Dương Vương và quan quân khi về bái yết đền Sái. Cụm di tích đình Thụy Lôi, đền Thượng, đền Sái đã được Bộ Văn hóa công nhận từ năm 1986.

Sau lễ tế ở đình làng, đám rước sẽ rồng rắn khiêng kiệu đến đền Thượng. Đi đầu mỗi kiệu rước là phường kèn, trống, thanh la rộn rã, tiếp theo là đám rước cờ của các con cháu, rồi đến các bà, các cô mặc áo dài muôn màu đi hộ giá, mời trầu. Các trai đinh khỏe mạnh thay nhau che lọng vàng, vác kiệu vua, chúa và gánh võng cho bốn vị quan đại thần. Tại đền Thượng, Ông Đám (vua) cùng các quan họp bàn và làm lễ tế trời đất, xin các vị thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, muôn dân thái bình, thịnh vượng. Sau đó các vị quan lại lên đền Sái để cùng chúa Thanh Giang xứ làm lễ. Những nghi lễ vẫn được các cụ già trong thôn lưu giữ và tiến hành một cách trang nghiêm, thành kính. Những bô lão được cử đóng vai vua, quan sẽ có trách nhiệm với những việc lễ tiết của thôn làng trong suốt cả năm.

Đến chiều, đám rước lại được quay trở về đình, sau đó mọi người rước vua, chúa và các quan đại thần đi bái tạ tứ thân phụ mẫu rồi mới giải tán.

Tới dự lễ rước vua giả của làng Thụy Lôi vào 11 tháng Giêng, du khách khắp nơi sẽ được đắm mình trong không khí lễ hội tưng bừng, độc đáo của vùng đất cổ kinh Bắc và càng thêm tự hào về một nét văn hóa đặc sắc của ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.

Nguồn: website Simplevietnam

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT