Non nước Việt Nam

Đi lễ chùa - nét đẹp văn hoá đầu xuân

Cập nhật: 06/02/2009 09:02:36
Số lần đọc: 1981
Dù ở những ngôi chùa cổ kính thờ Phật, nơi đình làng nơi thờ Thành hoàng hay chốn uy nghi đền đài thờ các vị Thần thánh... nhưng chỉ với ba nén hương thơm, nhành hoa tươi và tấm lòng thành kính bái lạy trước cõi tâm linh cũng đủ để chúng ta thanh thản, siêu thoát trước bụi trần...

Lễ hội vừa là nét đẹp văn hoá của người Việt, vừa thể hiện mơ ước ngàn đời về hạnh phúc và cuộc sống trường tồn. Mỗi độ xuân về, khi hoa đào đua sắc thắm cũng là lúc mọi người nô nức rủ nhau trẩy hội, cầu mong sao cho một năm mới gặp nhiều may mắn, gia đình hạnh phúc sum vầy. Đây cũng là dịp để mọi người tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn.

 

Lạc vào dòng người đi lễ đầu năm ta cảm thấy như đất trời giao hoà, con người gần gũi nhau hơn. Đi lễ đầu xuân còn là thú vui của mọi người khi nó trở thành chuyến đi du lịch văn hoá tâm linh. Đồ lễ thông thường chủ yếu là hương, hoa, tiền vàng (tiền âm phủ). Người đi lễ chùa thường chuẩn bị một ít tiền lẻ (200 hoặc 500 VND) để khi lễ xong, lấy 1-2 tờ về làm lộc, số còn lại làm công đức cho nhà chùa. Khi vào lễ bao giờ cũng thắp hương ở Bát Tam bảo trước (bát hương to nhất ở chính giữa nơi thờ tự), sau đó là thắp ở Ban Đức Ông (bên trái từ ngoài vào) và tiếp là Ban Đức Thánh Hiền (bên phải), và lần lượt tiếp... Lời khấn ở chùa thường bắt đầu bằng câu giới thiệu địa danh, tên người dâng lễ và các lễ vật...cuối cùng mới đến lời thỉnh cầu. Đối với người Việt, đầu năm để cầu mong thần tài phù hộ thì xuất hành chính Tây, còn nếu cầu mong điều hạnh phúc (hỷ thần) thì xuất hành chính Nam. Nơi đến có thể là chùa, đình hoặc đền vì người Việt quan niệm đi lễ đầu năm nhằm hướng tới "vạn sự thanh thông, nhất bản vạn lợi". Do vậy, tuỳ từng người, tuỳ từng hoàn cảnh mà người đi lễ chọn cho mình một địa điểm thích hợp, ứng với những điều mà họ mong ước.

 

Không biết những thỉnh cầu có đến được cửu trùng hay không, nhưng mọi người đều tin rằng sau khi trẩy hội, đi lễ đầu xuân trở về, tâm hồn của họ như được thắp sáng hơn và ngày mai cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn. Và trong không khí se lạnh của những ngày đầu xuân, trong không gian thanh tĩnh của cảnh chùa, trong thời khắc đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc... với tất cả những duyên may đó thì những chuyến du xuân đến thăm viếng cảnh chùa đều sẽ mang đến sự bình an trong tâm hồn, niềm an lạc trong cuộc sống cho mọi người...

 

Chính vì vậy mà đã từ rất lâu, đi lễ chùa đầu Xuân vẫn luôn là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống không hề phai nhòa trong mọi tâm hồn người Việt.

Nguồn: Báo Nghệ An

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT