Đền Chín Gian (Nghệ An) được công nhận Di tích Lịch sử Văn hoá cấp tỉnh
Đền Chín Gian (Tên Cẩu Hoòng) được xây dựng từ thế kỷ XIV nơi thờ cúng Trời (Thẻn Phà), Màng Xi Đa và Tạo Ló Ỳ (Người có công lập bản dựng mường) của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ An, đền được xây dựng tại núi Pu Quái (bản Piếng Chào, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, Nghệ An).
Do nhiều nguyên nhân, đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2005, thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc tại đây, bằng nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương và sự đóng góp của đồng bào, Đền được phục dựng trên theo nguyên mẫu nhà sàn dân tộc Thái: có 9 gian thờ, đại diện cho 9 mường chính trong khu vực.
Cùng với việc phục dựng đền là việc khôi phục và tổ chức Lễ hội Đền Chín Gian hàng năm theo quy mô Lễ hội cấp huyện. Ngay từ năm đầu tiên đi vào hoạt động (2006), Lễ hội Đền Chín Gian đã thu hút hàng chục ngàn khách tham quan đến từ các địa phương trong và ngoài tỉnh cũng như khách quốc tế với những lễ nghi mang đậm bản sắc văn hoá của đồng bào vùng cao khu vực Tây bắc Nghệ An như: Lễ tắm trâu theo nghi thức dân tộc Thái tại bến Tà Tạo dưới chân núi Pu Quái, Lễ chém trâu (Phắn Quái) trước giờ khai hội, Lễ rước Tạo,... nhằm cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, giúp đồng bào nuôi trồng phát triển. Song song với những hoạt động trong Lễ hội, du khách còn có thể đến thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng của miền đất quế như Thác Xao Va,Thác Tạt Bái, Thác Quai Lắn…