Tin tức - Sự kiện

Hát chèo Tàu chuẩn bị cho Đại lễ nghìn năm

Cập nhật: 04/03/2009 09:03:17
Số lần đọc: 1608
Hội hát chèo Tàu ở Tân Hội đã được UBND thành phố Hà Nội chính thức đưa vào chương trình của Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hiện tại, nhân dân bốn thôn của xã Tân Hội đang tích cực chuẩn bị tập dượt cho dịp kỷ niệm trọng đại này.

Hội hát hoành tráng bảy ngày, bảy đêm


Tháng giêng đóng đám ngoài đình

Trong dư năm tỉnh nức lòng người xem

Tướng cờ trương kiệu đôi bên

Giữa thì tàu hát bên thiềng đôi voi.


Câu ca trên đã nói lên khung cảnh của hội hát chèo Tàu đất Tổng Gối xưa, tức xã Tân Hội (huyện Ðan Phượng, Hà Nội) ngày nay. Tên gốc của chèo Tàu là hát tàu tượng. Bởi biểu diễn loại hình diễn xướng dân gian này, người dân đóng những con voi và thuyền lớn bằng gỗ, người tham gia diễn xướng được phân vào các "vai" chúa tàu, cái tàu (người chỉ huy tàu), con tàu, quản tượng... đứng trên thuyền, trên voi để hát theo những làn điệu cổ.

 

Lễ hội bắt đầu từ ngày rằm và kết thúc vào 21 tháng Giêng. Ðây có lẽ là một kỷ lục về lễ hội khi suốt bảy ngày bảy đêm đó, dân các làng Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Kỹ, Phan Long thay nhau hát từ sáng đến đêm. Ngày hội bắt đầu bằng việc làm lễ ở miếu Voi Phục rồi tập trung tổ chức rước kiệu ra đình làng. Sau bài văn khấn của các chủ tế, chúa tàu, quản tượng cùng các ca nhi sẽ bắt đầu diễn xướng, bắt đầu bằng các bài hát nghi lễ như: khởi lễ, dâng rượu, chúc Vua, ẩm phước khúc, lễ trình.

 

Trên mỗi thuyền đều có một bà chúa tàu độ tuổi từ 50 đến 55, có thanh sắc, gia đình vẹn toàn, 12 cô gái tuổi từ 13 đến 16 con nhà nền nếp làm cái tàu, con tàu. Cạnh đó là đôi voi với hai quản tượng có nhiệm vụ thổi loa tù làm hiệu. Khi biểu diễn chúa tàu đánh thanh la, hai cái tàu lĩnh xướng, mười con tàu hát họa theo. Riêng phần hát nghi lễ đã có tới 30 bài hát. Khi đêm xuống, những bài hát nghi lễ được thay bằng những bài hát giao duyên, trong cuộc hát giao duyên này có thể dùng các lối hát khác như trống quân, sa mạc, lý giao duyên... làm cho cuộc đối đáp trở nên sinh động, phong phú hơn. Ngoài múa hát là các cuộc thi tài như chơi cờ, thổi cơm thi, đánh đu...

 

Nội dung tất cả các bài hát trong diễn xướng chèo Tàu đều nhằm ca ngợi công đức của Thành Hoàng Tổng Gối là cụ Văn Dĩ Thành. Không gian biểu diễu rất rộng lớn, từ miếu Voi Phục ra Văn Sơn, tức lăng mộ cụ Văn Dĩ Thành (cả hai đều được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1997).

 

Từ chèo Tàu, hiểu thêm về cuộc khởi nghĩa "Hắc Y"

 

Mặc dù những câu hát đều ca ngợi Văn Dĩ Thành - thành hoàng của cả Tổng Gối, nhưng nguồn gốc về chèo Tàu còn nhiều ẩn số, lai lịch vị Thành Hoàng Văn Dĩ Thành mang nhiều tính huyền thoại. Phải đến những phát hiện mới đây về Thành Hoàng Văn Dĩ Thành, nguồn gốc chèo Tàu mới được làm sáng tỏ. Ðiều thú vị là nguồn gốc chèo Tàu đã được tìm ra bởi một... anh công an, Trung tá Ðào Hà, Phòng Cảnh sát P36 - Công an thành phố Hà Nội.

 

Sinh ra trên đất Tổng Gối, kế thừa truyền thống hiếu học, bên cạnh vai trò một chiến sĩ công an, Ðào Hà trở thành một nhà nghiên cứu (anh là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật xứ Ðoài). Ðào Hà đã viết về lịch sử chèo Tàu, nhưng cứ đến nguồn gốc, anh bị... tắc. May mắn anh chính là người làng, nên trong những lần đi tìm hiểu, anh được tiếp cận cuốn "Cối Lâm tiểu dẫn". "Cối Lâm tiểu dẫn" do ông Nguyễn Duy Lương, vị quan triều Nguyễn viết năm 1902. Ðây là một cuốn sách nghiên cứu, mô tả khá chi tiết về sự ra đời của chèo Tàu. Kết nối thông tin của "Cối Lâm tiểu dẫn" với những cuốn sách cổ ở đất Cối Lâm như "Dư địa chí", "Tàu tượng ca khúc", "Dư đồ trận"..., Ðào Hà đã dựng lại nguồn gốc chèo Tàu cũng như về vị Anh hùng có thật Văn Dĩ Thành.

 

Cụ Văn Dĩ Thành vốn dòng dõi quan lại triều Trần. Sau khi nhà Hậu Trần mất, cụ đã dựng cờ khởi nghĩa chống lại quân giặc xâm lược, đại bản doanh của cuộc khởi nghĩa chính là Tổng Gối. Nghĩa quân của cụ mặc áo đen nên thời bấy giờ gọi là quân Hắc Y. Ðạo quân Hắc Y từng làm quân giặc nhiều phen điên đảo. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, song, "Cối Lâm tiểu dẫn" đã ghi lại khá rõ ràng.

 

Ngoài "Cối Lâm tiểu dẫn", một nguồn tư liệu góp phần khẳng định về nhân vật Văn Dĩ Thành là "Dư đồ trận", cuốn sách này nói về những mưu lược đánh giặc của Văn Dĩ Thành. Những thông tin qua sách cổ, cộng với những dấu ấn còn lại từ các địa danh ở Tổng Gối, càng chứng tỏ Văn Dĩ Thành là nhân vật có thật. Trung tá Ðào Hà cho biết: "Những địa danh của Tổng Gối, những câu truyện lưu truyền đều liên quan tới cuộc khởi nghĩa. Chẳng hạn xóm Ngõ Giặc, tương truyền xưa là nơi nhốt tù binh, xóm ngõ Táng là nơi chôn cất các tử sĩ, xóm Ngõ Lương, là nơi cất lương thảo, xóm Ngõ Lý, là nơi giải quyết công việc hành chính... Nếu Tổng Gối không phải là tổng hành dinh của cuộc khởi nghĩa, thì không thể có những địa danh như vậy".

 

Theo "Cối Lâm tiểu dẫn", sau khi cụ Văn Dĩ Thành mất năm 1416, nhân dân đã kết hợp những truyền thống ca hát vốn có của vùng đất này, tạo ra một lễ hội đặc biệt để tưởng nhớ cụ. Nội dung tất cả các bài hát đều ca ngợi hoặc kể lại những công tích, những trận đánh thuở xa xưa của cụ. Lễ hội đầu tiên được tổ chức vào năm 1683.

 

Háo hức chờ đại lễ nghìn năm

 

Do không gian, thời gian tổ chức lễ hội khá quy mô (huy động khoảng 200 người hát, việc tập luyện cũng rất công phu) nên ngày trước, cứ 25 năm hội hát chèo Tàu mới được tổ chức một lần. Lần tổ chức quy mô lớn cuối cùng là năm 1922. Sau hơn 70 năm gián đoạn, năm 1998, lần đầu hội hát chèo Tàu được tái hiện. Từ đó đến nay, cứ vào dịp hội làng, hội hát chèo Tàu được tổ chức. Tuy nhiên, chưa lần nào lễ hội được tổ chức quy mô lớn. Bởi vậy, khi được chọn là một trong những hoạt động chính thức kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân Tân Hội rất phấn khởi, bởi đây là cơ hội để tái hiện lễ hội hoành tráng như xưa, khi có sự đầu tư của thành phố Hà Nội.

 

Ðể bảo tồn loại hình diễn xướng độc đáo này, Câu lạc bộ chèo Tàu Tân Hội được thành lập. Dạy hát chèo Tàu cũng được đưa vào chương trình dạy học đối với các em học sinh tại xã Tân Hội. Trung tá Ðào Hà là thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Tàu Tân Hội. Anh cho biết: "Nhân dân rất mừng. Nhưng để tổ chức được hội hát quy mô như xưa, đòi hỏi chi phí lớn. Sau khi gián đoạn trong nhiều năm, huy động số lượng lớn người hát phải mất khá nhiều thời gian tập luyện, cần nhiều kinh phí để may trang phục... Hiện nay, chúng tôi cũng mới chỉ làm được một voi, một thuyền, trong khi đó, hội xưa là một đôi voi, một đôi thuyền".

 

Mặc dù chưa biết được hỗ trợ kinh phí bao nhiêu, nhưng người dân Tân Hội vẫn hăng say luyện tập. Dự kiến, ngày 12-3 này, đúng ngày giỗ của cụ Văn Dĩ Thành, người Tân Hội sẽ tổ chức một cuộc hát quy mô lớn, như một cuộc tập dượt cho đại lễ nghìn năm sẽ diễn ra vào năm 2010.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT