Lễ hội Làng Vạc "điểm nhấn" văn hoá vùng Tây Bắc, Nghệ An
Từ truyền thuyết kể rằng: Một đêm nọ thần linh báo mộng cho trưởng làng tập trung dân làng bên đầm làng, Ngài sẽ trao báu vật của trời đất để làng tổ chức lễ hội. Sáng ra, khi dân làng đã tụ hội đông đủ bỗng thấy giữa đầm nổi lên chiếc Vạc đồng to như một gian nhà, trong Vạc có 10 vạc nhỏ và rất nhiều bát đũa, âu, đĩa trong đó. Dân làng tưng bừng mở lễ hội.
Sau 3 ngày mở tiệc, dân làng làm lễ tạ ơn và trả lại báu vật cho thần linh. Con trai, con gái rước Vạc về đầm, đang sụp lạy thì Vạc đồng từ từ trôi ra giữa đầm rồi chìm xuống. Từ đó, để tạ ơn thần linh, tạ ơn trời đất, làng đặt tên là đầm Vạc, rồi gọi tên làng là Làng Vạc. Hàng năm cứ đến ngày đã định, dân làng lại tổ chức lễ hội để nhớ ơn thân sông, thần núi đã mang lại cuộc sống ấm no.
Cách đây hơn10 năm, vào đầu xuân hàng năm Lễ hội Làng Vạc chính thức được tổ chức trở lại theo định kỳ kéo dài trong 3 ngày 7-9/2 âm lịch. Lễ hội Làng Vạc trở thành ngày hội lớn của nhân dân các dân tộc trên địa bàn và thu hút người dân các vùng lân cận. Lễ hội gồm 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Sau phần tế lễ là rước Vạc đồng, Trống đồng để mở hội mừng. Phần hội là các trò chơi dân gian như: ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, chọi gà, đấu võ. Tại lễ hội còn có các cuộc thi độc đáo như: thi hội cồng chiêng, thi người đẹp Làng Vạc, thi nấu các món ăn dân tộc...
Cùng với việc thành lập Thị xã Thái Hoà, Lễ hội Làng Vạccó thêm điều kiện để tổ chứcngày càng nâng tầm trở thành lễ hội văn hoá, tâm linh cấp vùng Tây Bắc.