Non nước Việt Nam

Múa bồng Triều Khúc

Cập nhật: 10/03/2009 09:03:45
Số lần đọc: 2001
Nếu nhìn theo các động tác múa, người trong làng sẽ khó có thể nhận ra người múa chính là các chàng trai làng vẫn thường gặp. Vào ngày hội làng, với trang phục rực rỡ, nào áo the trắng, yếm lá sen với tua ngũ sắc, rồi khăn mỏ quạ bịt đầu mầu đỏ, thắt lưng nhiễu hồng, váy lĩnh đen, quần trắng, tất trắng, má phấn môi hồng và mắt lúng liếng.

Trong điệu múa, họ như bay bổng trong tiếng nhạc với các động tác đánh bồng điệu nghệ. Họ như đang hóa thân vào điệu múa cổ truyền thống của làng Triều Khúc trong ngày lễ hội...

 

Mỗi năm một lần, bà con dân làng Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) lại tổ chức lễ hội và cứ ba năm lại đến một kỳ lễ đại. Mỗi kỳ lễ, làng thường tổ chức rước thánh, lễ chạy cờ, lễ dâng hương, múa rồng... Và múa bồng là điệu múa thể hiện trong lễ rước Thánh từ đình thờ Sắc đến Ðại đình. Truyền thuyết kể lại rằng sau khi thắng trận về qua làng Triều Khúc, Ðức thánh Phùng Hưng đã cho trai tráng đóng giả gái để múa mua vui cho quân sĩ. Và điệu múa này được biểu diễn trong lễ hội của làng cho đến ngày nay.

 

Múa bồng ở làng Triều Khúc được múa theo từng cặp, thường múa trong các tư thế đối: lưng đối lưng, mặt đối mặt, chân tay đối xứng nhau. Các động tác tay khi thì uốn theo hình hoa, khi thì lượn xuống vuốt trống, khi vung lên cao khoáng đạt. Rồi những bước đi đánh ngang, xoay vòng, những bước chân nhún nhảy khi khum gối, khi sải chân trong tiếng nhạc. Ðiều hấp dẫn nhất là điệu múa khéo léo uyển chuyển này lại do chính những chàng trai làng Triều Khúc thể hiện. Ðể bảo vệ điệu múa cổ của làng, các nghệ nhân múa ở làng Triều Khúc đã từ lâu không truyền cho con gái, cũng không truyền cho bất cứ người lạ nào. Theo luật lệ, người được chọn vào cặp múa bồng phải là con nhà ngoan ngoãn lễ giáo, hơn nữa lại phải là người có độ dẻo cơ bắp, yêu thích, say mê với điệu múa. Ðể chọn được một người múa hợp trong một cặp, các cụ trong làng đã phải "nhắm" sẵn từ lâu, sau đó mới truyền nghề. Khi học múa, người học không chỉ cần phải thuộc các động tác múa mà còn phải biết nhập tâm, thể hiện được thần thái của điệu múa. Những động tác múa và thần thái khi múa bồng phải đuợc rèn từ rất lâu. Những người không được chọn chỉ có thể tham gia đánh trống, gõ thanh la phục vụ cho cặp múa.

 

Trang phục của người múa bồng gồm áo the trắng, yếm lá sen đỏ thêu kim sa đính các tua ngũ sắc, khăn  mỏ quạ bịt đầu mầu đỏ, thắt lưng nhiễu hồng, váy lĩnh đen, quần trắng, tất trắng. Ngoài ra, nghệ sĩ múa bồng còn trang điểm má phấn môi hồng, đánh mắt lá dăm cho giống hệt con gái. Trong lễ tế ở đình chính, khi dâng rượu thì điệu múa bồng bắt đầu. Khi ấy thường có một hoặc hai cặp múa thể hiện. Trong tiếng trống khẩu, tiếng thanh la, tiếng trống bản rộn rã và náo nhiệt, các nghệ nhân như hóa thân vào điệu múa. Họ xoay người đánh mông, lướt ngang, họ vung tay, vuốt trống. Người xem cũng như bị cuốn vào điệu múa trong mùi hương trầm ngào ngạt, trong không khí vừa trang nghiêm vừa rộn rã của buổi tế.

 

Khi rước sắc, múa bồng được tổ chức ngoài trời thì các động tác múa phóng khoáng hơn, bay bổng hơn. Các nghệ nhân múa, ngoài việc phải thực hiện các động tác mềm dẻo khéo léo, những động tác xoay chính xác vẫn trong thế đối xứng, mà còn vừa múa vừa di chuyển theo kiệu rước. Người nghệ nhân khi ấy như dồn hết tâm trí cho việc múa. Họ như quên con đường gạch dưới chân. Quên cả những ánh mắt say mê của người xem hội. Trong mầu sắc rực rỡ của cờ hội, của trang phục, trong tiếng trống, tiếng thanh la, bước chân của họ nhún nhảy nhịp nhàng, đặc biệt là ánh mắt họ vẫn lúng liếng, đong đưa. Họ vẫn quay theo từng cặp, vẫn xoay trong vũ điệu. Cả đám rước và nghệ nhân múa như cùng trôi đi trong gió xuân, trong không khí lễ hội mùa xuân rộn rã.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT