Non nước Việt Nam

Đặc sắc lễ hội đền Hạ (Tuyên Quang)

Cập nhật: 11/03/2009 08:03:13
Số lần đọc: 2083
Trong những ngày từ 11 đến 16/2 âm lịch, lễ hội đền Hạ, lễ hội lớn nhất trong năm của người dân thị xã Tuyên Quang đã được tổ chức với những nghi lễ đặc sắc, thu hút hàng nghìn người tham gia.

Trong dòng người thập phương đổ về dự lễ, ai ai cũng một lòng thành kính xin Mẫu ban phước cho gia đình yên ấm, đủ đầy.


Cũng như mọi năm, ngày 11 và 12/2 là ngày chính lễ. Từ 6 giờ sáng ngày 11/2, nhân dân và khách thập phương tập trung tại đền Ỷ La để rước bà Phương Dung công chúa từ đền Ỷ La ra đền Hạ. Tiếp đến ngày 12 mọi người lại tề tựu đông đủ tại đền Thượng, xã Tràng Đà để tham gia vào đoàn rước bà Ngọc Lân công chúa từ đền Thượng ra đền Hạ để hai bà gặp nhau tại đền Hạ. Dẫn đầu đoàn rước lễ là đội múa lân, cờ, trống, phường bát âm, tiếp đó là nhang án, kiệu bát cống kiệu võng, các cụ bô lão, những người hành lễ, du khách thập phương. Đoàn rước Mẫu đi đến đâu cũng có nhân dân nô nức ra xem, nhiều gia đình còn sắp một mâm lễ, đinh tiền, nén nhang chờ đoàn rước đi qua, cầu Mẫu mang phước lộc đến gia đình mình. Không chỉ xem, ngắm, hàng ngàn người từ trung niên, những cụ già 70, 80 tuổi đến những em bé cũng tự nguyện ngồi thành hàng dọc đường để được chui qua kiệu Mẫu.


Ông Trương Đức Tiến, Trưởng phòng Văn hoá, Thể thao và Du lịch thị xã cho biết: Người xưa quan niệm được chui qua kiệu Mẫu, người già sẽ có sức khoẻ, trẻ con hay ăn chóng lớn, người người ăn nên làm ra... Đoàn đi mỗi lúc một đông, không chỉ có người dân địa phương tham gia mà còn rất đông du khách thập phương.


Bà Nguyễn Thị Văn, một du khách từ Hà Nội tham gia vào đoàn rước Mẫu cho biết: Bà quê Tuyên Quang, 3 năm nay từ khi lễ hội đền Hạ được khôi phục, năm nào bà cũng về. Năm nay thời tiết rất đẹp, lễ hội lại đúng ngày thứ bảy và chủ nhật nên cả gia đình bà (4 người) đều được về dự lễ.


Ông Bùi Sĩ Chúc, một du khách từ huyện Sơn Dương lên dự lễ hội nhận xét, lễ hội rất đông nhưng không có tình trạng chen lấn xô đẩy. Theo đánh giá ban đầu của Ban tổ chức, lễ hội năm nay đông hơn rất nhiều so với năm ngoái, 100% cán bộ, chiến sĩ công an thị xã đã được huy động làm nhiệm vụ để giữ gìn an ninh trật tự. Mỗi người đi lễ hội có một lời cầu riêng, người buôn bán cầu một năm buôn may bán mắn, thanh niên cầu tài, cầu lộc, các bà, các cô cầu cho gia đình yên ấm con cái thành đạt... ai cũng mong muốn lời thỉnh cầu của mình linh nghiệm.


Trong các ngày rước Mẫu, đền Hạ đông hơn gấp bội lần. Nhân dân tổ chức lễ tế. Đông đảo bà con nhân dân, du khách thập phương hoà trong âm hưởng của các bài tế mừng Mẫu. Bên cạnh những bài tế, là lễ vật dâng thánh Mẫu gồm oản, xôi, hoa quả... Tất cả thể hiện tấm lòng biết ơn trời đất, Thánh Mẫu Thượng ngàn che chở cho nước thịnh, dân an, mùa màng tươi tốt.

 

Sau các phần lễ, phần hội được diễn ra với rất nhiều các trò chơi như: Đánh tổ tôm, tam cúc, cờ tướng, ô ăn quan, chọi gà, kéo co, hát văn... Ngày 16/2 âm lịch tới, nhân dân lại làm lễ hoàn cung đưa Mẫu trở về đền thờ riêng của mình để phù trợ, giữ yên cho muôn dân được an lành, làm ăn tấn tới. Một không khí lễ hội đang diễn ra sôi nổi với sự tham gia của đông đảo mọi người dân thị xã.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT