Hoạt động của ngành

Ninh Bình: Chú trọng công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa các khu di tích

Cập nhật: 24/03/2009 15:03:54
Số lần đọc: 2015
Theo thống kê, tỉnh Ninh Bình có 795 di tích lịch sử, văn hoá với 225 ngôi chùa, 242 đình làng… Ngoài ra còn có 280 nhà thờ, trong đó có 73 nhà thờ giáo xứ, 207 nhà thờ họ.

Nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc bộ, trải qua các thời kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước, Ninh Bình đã trở thành vùng quê của những chiến công và huyền thoại, đây cũng từng là kinh đô của 3 vương triều Đinh- tiền Lê- Lý và là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể, những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được bạn bè xa gần biết đến.

 

Các di tích và danh thắng tiêu biểu là Quần thể di tích Cố đô Hoa Lư, đền thờ Nguyễn Công Trứ, đền thờ Đức thánh Nguyễn, nhà thờ đá Phát Diệm, khu sinh thái hang động Tràng An, chùa Bái Đính… Các lễ hội tiêu biểu, như: lễ hội Cố đô Hoa Lư, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội báo bản Nộn Khê… Trong số 35 làng nghề truyền thống có các làng nghề nổi tiếng, như: làng nghề mộc Ninh Phong, nghề chạm khắc đá Ninh Vân, nghề chế biến cói Kim Sơn, thêu ren Ninh Hải…

 

Thực hiện Nghị Quyết TW5 (khoá 8) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và thực hiện Luật di sản văn hoá, những năm qua Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến việc tổ chức thực hiện Luật di sản văn hoá, tạo bước chuyển về nhận thức, vai trò, vị trí của di sản văn hoá trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác quản lý quy hoạch, bảo vệ, sưu tầm, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị văn hoá của các di tích lịch sử và danh thắng được quan tâm và đã đạt những kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển. Đến nay, Ninh Bình đã có 78 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 110 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tỉnh cũng đã xây dựng được 2 nhà Bảo tàng, một của tỉnh, một của Thị xã Tam Điệp.

 

Từ năm 2003-2008 tỉnh đã huy động các nguồn đầu tư, trị giá gần 100 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích lịch sử văn hoá. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo di tích đều có sự quản lý, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đạt tiêu chuẩn về kỹ, mỹ thuật, ngăn chặn được sự xuống cấp nghiêm trọng của những di tích quan trọng. Riêng với di tích Quốc gia Cố đô Hoa Lư, tỉnh đã tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể và đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt năm 2003. 

 

Năm 2004, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Hướng tới kỷ niệm 1000 năm Hoa Lư- Thăng Long- Hà nội, tỉnh đã và đang triển khai dự án tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá trong vùng bảo vệ đặc biệt Cố đô Hoa Lư (gồm 13 di tích), triển khai thực hiện dự án xây dựng quảng trường trung tâm Thành phố, tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng, sân tổ chức lễ hội Cố Đô Hoa Lư… Việc quản lý di sản văn hoá cũng có sự phân cấp rõ ràng, tránh được sự chồng chéo hoặc không có sự quản lý - một trong những nguyên nhân dẫn tới sự xuống cấp của di tích. 

 

Thực hiện chương trình mục tiêu “ Bảo tồn các giá trị văn hoá phi vật thể” những năm qua tỉnh đã quan tâm đến công tác nghiên cứu, sưu tầm các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu như: Sưu tầm và phát hành tập sách “Truyền thuyết Hoa Lư”, “Kinh đô Hoa Lư thời Đinh - Tiền Lê”, “Hát chầu văn”, “Hát xẩm”… Việc triển khai sưu tầm các giá trị văn hoá phi vật thể đã góp phần nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cho thế trẻ, từ đó xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá của dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá cũng đang đặt ra những vấn đề cấp thiết, cần được quan tâm giải quyết. Đó là tình trạng xuống cấp của các di tích, kể cả một số di tích cấp Quốc gia. Cụ thể, trong tổng số gần 800 di tích, thời gian qua mới có 47 di tích được nhà nước đầu tư nâng cấp bằng chương trình mục tiêu quốc gia. Nhiều địa phương chưa có chế độ thoả đáng cho người trông coi di tích. Một số quần thể di tích khi đưa vào khai thác phục vụ mục đích du lịch vẫn còn để xảy ra  tình trạng, chèo kéo khách mua hàng, cảnh quan môi trường chưa thực sự sạch, đẹp…

 

Đặc biệt, trước nhu cầu phát triển kinh tế, với việc cho ra đời nhiều nhà máy, xí nghiệp… trong quá trình phát triển nếu không thận trọng sẽ khó tránh khỏi việc làm ảnh hưởng tới cảnh quan, môi trường các khu di tích. Vì vậy, việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm, hiểu biết về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá lịch sử của các khu di tích là việc làm cần thiết, không chỉ riêng của các nhà quản lý, mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, doanh nghiệp và của các tầng lớp nhân dân, nhất là những nơi có di tích, phấn đấu mỗi khu di tích đều trở thành sản phẩm văn hóa du lịch, thu hút ngày càng nhiều du khách về thăm. Đó cũng là dịp để bạn bè 4 phương hiểu biết thêm về đất và người Ninh Bình.

Nguồn: Ninh Bình

Cùng chuyên mục