Hoạt động của ngành

Nam Giang (Quảng Nam) khai thác tiềm năng phát triển du lịch

Cập nhật: 25/03/2009 13:03:54
Số lần đọc: 2208
Thác Grăng đẹp như tranh vẽ, bàn tay mỹ cảm của người phụ nữ Cơtu bên khung dệt ở làng Zơ Ra, địa danh lịch sử bến Giằng vang bóng một thời, Khu Kinh tế cửa khẩu Đắc Ốc mỗi ngày nhộn nhịp... Bấy nhiêu thôi cũng đủ khẳng định tiềm năng to lớn về du lịch của huyện miền núi Nam Giang.

Lên non tắm thác, về làng xem... tay”, đó hẳn là sự trải nghiệm thú vị của những ai đã từng ngược dòng sông Kôn, ghé lại địa danh Bờhồng (Đông Giang) rồi rong ruổi trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, qua bến Giằng và ngược lên Grăng, Zơ Ra (Nam Giang) hay tiếp tục lang thang qua các địa danh như làng Rô, đèo Lò Xo cho đến Khâm Đức (Phước Sơn). Mỗi địa danh đi qua ngoài sự trải nghiệm thú vị khi được chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ, nhiều tầng thác đẹp như huyền thoại du khách còn được say sưa ngắm nghía bàn tay thoăn thoắt của những phụ nữ Cơtu bên khung dệt, bên những sợi đan lát trong các làng nghề truyền thống.

 

Du lịch miền núi đang tạo sự hấp dẫn mạnh mẽ cho du khách bởi những điều bất ngờ thú vị, không phải là “kịch bản” dựng sẵn như những điểm đến quen thuộc.

Và nếu chỉ muốn khám phá một địa chỉ du lịch có tên Nam Giang, bạn chỉ mất khoảng 30 phút từ Đại Lộc trên quốc lộ 14B là dừng chân ở làng Rô, nơi che chở nuôi nấng cố nhà thơ Tố Hữu cùng nhiều chí sĩ cách mạng trong những lần băng rừng vượt ngục. Rồi dừng chân ở bến Giằng để lắng nghe khúc giao thủy của dòng sông Bung từng một thời là địa điểm gắn với các chiến công oai hùng. Là mạch nguồn của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Những điều thú vị bỗng chốc ùa đến với bạn khi được tận mắt chiêm nghiệm những điều đã từng biết, đọc qua ở đâu đó hoặc với cảnh núi non hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn bắt đầu từ ngã ba sông Bung.

 

Từ đây bạn có thể ngược trên quốc lộ 14D như dải lụa mềm vắt lưng chừng núi. Một ngã ba có biển hướng dẫn, rẽ qua rẫy lúa, nương bắp, lúc ngang dọc qua suối là con đường dẫn đến thác Grăng. Đây là đoạn đường để lại dấu ấn nhiều nhất nơi du khách trong hành trình chinh phục “tam thác Grăng” bởi phải qua nhiều đoạn dốc, đường hẹp, ghềnh đá hiểm trở. Nhưng, bạn sẽ không dễ bỏ cuộc khi trên đường vào Grăng đã được kiến tạo sẵn những bộ ván dã chiến bằng thân cây, nhiều chiếc võng rừng bằng rễ cây tự nhiên làm những trạm nghỉ chân tiếp sức cho du khách. Tất cả khó khăn sẽ tan biến khi bạn đang đứng trước thác Grăng tung bọt trắng xóa, bồng bềnh trong cõi âm u Trường Sơn. Đẹp nhất ở Grăng có lẽ là thác 3 với độ cao hơn 30 mét, tung bụi nước mịt mù, xõa trắng trên những vách đá bám rêu..

 

Suối nguồn trong trẻo Grăng tạo hấp lực mới để du khách tiếp tục khám phá Zơ Ra, một làng dệt Cơtu có từ lâu đời. Làng nhỏ, thanh bình với đàn bò ung dung gặm cỏ bên triền sông. Làng Cơtu nào cũng có người đan áo, dệt vải nhưng không đâu bằng Zơ Ra bởi nhà nhà đều có khung dệt với sản phẩm đặc trưng là những chiếc váy áo, tấm dồ thổ cẩm đính bằng những hạt cườm tinh xảo. Thổ cẩm Zơ Ra mang vẻ mềm mại như cách sống lặng lẽ của thiếu nữ Cơtu giữa rừng sâu. Sản phẩm giản đơn ở cách chế tác nhưng tinh xảo, cầu kỳ trong từng đường nét. Bạn lại sẽ có cảm giác thú vị khi được chứng kiến những sản phẩm này là chiếc cầu nối thêm sự gần gũi giữa hai dân tộc Lào - Việt anh em tại một phiên chợ sơ khai, bồng bềnh giữa màn sương trên độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển ở cửa khẩu Đắc Ốc.

 

Ông Nguyễn Sáu, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Nam Giang cho biết, để tạo động lực mới cho ngành du lịch Nam Giang, gần đây địa phương đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng như: xây dựng tuyến đường vào thác Grăng, làng dệt Zơ Ra, nhà truyền thống các dân tộc anh em, xúc tiến quảng bá, tạo các sản phẩm du lịch đặc trưng... Nam Giang có tiềm năng to lớn ở các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái (khám phá sông, suối, thác, rừng nguyên sinh...), du lịch làng nghề (làng nghề thổ cẩm, đan lát), du lịch văn hóa (gươl, moong, làng văn hóa, các lễ hội truyền thống...), du lịch di tích lịch sử cách mạng (đường Trường Sơn huyền thoại, đường Thắng Lợi, làng Rô...). Song song với việc hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, ngành du lịch Nam Giang sẽ mở rộng liên kết với các địa phương khác có nét văn hóa tương đồng như Đông Giang, Phước Sơn, Kon Tum... nhằm tạo một tuyến du lịch thông suốt, lôi cuốn du khách trên chặng đường khám phá đại ngàn Trường Sơn.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Cùng chuyên mục