Tin tức - Sự kiện

Khánh Hòa: Đã có thang chuẩn tiếng Anh cho ngành Du lịch

Cập nhật: 26/03/2009 07:03:28
Số lần đọc: 1584
Việc xây dựng thang chuẩn tiếng Anh cho 6 nghề trong ngành Du lịch vừa được hoàn thành trong khuôn khổ Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch, do TOEIC Việt Nam thực hiện. Áp dụng chuẩn mới này sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp của ngành Du lịch.

Mới đây, Dự án Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam với sự tư vấn của Công ty IIG Việt Nam, đại diện của Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ - ETS, đã hoàn thành xây dựng thang chuẩn tiếng Anh cho 6 nghề trong ngành Du lịch Việt Nam gồm: lễ tân, nhà hàng, buồng, an ninh khách sạn, điều hành tour và hướng dẫn du lịch. Đây là 6 vị trí được đánh giá là có nhu cầu sử dụng tiếng Anh ở trình độ và tần suất cao hơn so với lao động ở vị trí khác nên được ưu tiên chuẩn hóa trước. Mục đích của việc xây dựng thang chuẩn cho các vị trí trong ngành Du lịch Việt Nam là trang bị cho các nhà quản trị nhân sự một công cụ đánh giá và quản lý nhân sự hiệu quả, và định hướng cho các cơ sở đào tạo phương pháp đào tạo nâng cao hiệu quả sử dụng cho người học, đáp ứng yêu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài ngành.

 

Cơ sở dữ liệu chính để xây dựng thang chuẩn tiếng Anh cho từng nghề nói trên được căn cứ vào nhu cầu sử dụng tiếng Anh đối với vị trí của nghề đó. Nhu cầu này được xác định thông qua quá trình khảo sát tại gần 200 khách sạn (từ 3 đến 5 sao) và doanh nghiệp lữ hành đại diện với 389 cuộc điều tra tại các tỉnh, thành phố có du lịch phát triển như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy, tất cả các vị trí có sử dụng tiếng Anh đều đạt điểm thấp trong phổ điểm chuẩn. Cá biệt, ở các khách sạn nhiều sao, yêu cầu càng cao thì tiếng Anh đạt chuẩn càng thấp. Ví dụ, điểm trung bình của nhân viên nhà hàng ở Việt Nam là 283 điểm, trong khi mức chuẩn là 615; lễ tân chỉ đạt 206 điểm (chuẩn 815), nhân viên buồng đạt 259 điểm (chuẩn 560). Ở khách sạn 5 sao, 87% nhân viên an ninh khách sạn và nhân viên nhà hàng, 69% nhân viên lễ tân, 76% nhân viên buồng… không đạt chuẩn tiếng Anh. Chính vì thế, lâu nay trong ngành Du lịch vẫn xảy ra những câu chuyện thật mà như đùa về những tình huống nhầm lẫn của nhân viên do không thạo tiếng Anh. Chẳng hạn, khách yêu cầu sửa hệ thống nước thì nhân viên buồng mang đến chai nước khoáng. Hay khách nhờ lấy giúp chiếc nĩa (fork) bị rớt, 30 phút sau, nhân viên phục vụ bàn mang ra một… đĩa thịt heo (pork)…

 

Thang chuẩn tiếng Anh cho 6 nghề nói trên được đánh giá bằng thang điểm TOEIC. Điểm khác biệt của thang điểm này so với các công cụ đánh giá khác là nó không chỉ thể hiện dưới dạng định lượng bằng những con số cụ thể về điểm mà còn được thể hiện dưới dạng định tính. Thông qua mỗi thang điểm TOEIC cụ thể, các nhà quản trị nhân sự có thể biết nhân viên của mình có khả năng làm được những công việc gì bằng tiếng Anh. Như vậy, khi có thang chuẩn, các đơn vị sẽ có được một công cụ quản lý nhân sự hữu hiệu. Việc áp dụng thang chuẩn tiếng Anh sẽ giúp các đơn vị trong ngành tuyển chọn đúng người đúng việc, duy trì được trình độ sử dụng tiếng Anh của nhân viên mà không lãng phí thời gian và kinh phí cho việc đào tạo lại nhân viên. Ngoài ra, việc áp dụng thang chuẩn tiếng Anh không chỉ có giá trị đối với các đối tượng là khách sạn và doanh nghiệp lữ hành - đơn vị sử dụng lao động, mà còn giúp các cơ sở đào tạo của ngành - đơn vị cung ứng lao động, có được định hướng đúng đắn trong đào tạo tiếng Anh tại trường. Đó là chưa kể thang chuẩn mới sẽ giúp đánh giá lại việc xếp hạng sao của khách sạn hiện nay.

 

Bà Trương Thị Dạ Lý - Trưởng bộ phận đào tạo của khu nghỉ mát Six senses Hideaway Ninh Vân cho biết: Sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức giới thiệu và khuyến khích các trường đại học, cao đẳng sử dụng thang chuẩn tiếng Anh này để đánh giá tiêu chuẩn hóa và công nhận tín chỉ cho sinh viên nhằm nâng cao trình độ sử dụng tiếng Anh cho lực lượng lao động. Thay vì những tiêu chí “tiếng Anh lưu loát” hay “tiếng Anh tốt” rất chung chung, giờ đây, nhà tuyển dụng có thể công bố những tiêu chuẩn yêu cầu như “500 điểm TOEIC” hay “400 điểm TOEIC” cho các vị trí công việc. Những thông tin này không những giúp ứng viên xác định được rõ ràng yêu cầu của doanh nghiệp để có sự chuẩn bị tốt hơn mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian, chi phí cho công tác tuyển dụng, đồng thời vẫn lựa chọn được những hồ sơ chất lượng.

 
Hiện nay, tại Nha Trang, các cơ sở như Trường Đào tạo Việt Mỹ, Trung tâm Dạy nghề nghiệp vụ du lịch khách sạn quốc tế Yasaka-Saigon-Nhatrang, Cơ sở ngoại ngữ MTS (94/3 Nguyễn Thị Minh Khai)… đã có các chương trình đào tạo tiếng Anh theo thang chuẩn của ngành Du lịch.
Nguồn: Báo Khánh Hòa

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT