Tin tức - Sự kiện

Khai mạc Festival Làng nghề Việt tại Đà Nẵng

Cập nhật: 26/03/2009 08:23:48
Số lần đọc: 1482
Lễ khai mạc Festival Làng nghề Việt đã khai mạc ngày 25/3/2009 tại Công viên 29/3 ở thành phố Đà Nẵng, với sự tham gia của hơn 50 làng nghề tiêu biểu thuộc các ngành nghề trong cả nước.

Các làng tiêu biểu tham dự Festival như làng mộc Đồng Kỵ, tranh Đông Hồ ở Bắc Ninh; gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc của Hà Nội; đá mỹ nghệ Non Nước, chiếu Cẩm Nê, nghề đan lưới Thọ Quang ở Đà Nẵng; làng Đúc đồng Phường Đúc của Thừa Thiên Huế; Thổ cẩm Tây Bắc.

Tại Festival này, ngoài phần triển lãm, trưng bày các sản phẩm làng nghề truyền thống của cả nước, Ban tổ chức xây dựng một không gian thuần Việt, tái hiện lại những vẻ đẹp của làng quê Việt Nam như làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình; chợ nổi Nam Bộ; làng chài Trung Bộ, Không gian ATK Định Hóa, Không gian Tây Giang ở Quảng Nam.

Tại đây, du khách cũng tận mắt chứng kiến màn trình diễn của các nghệ nhân làng nghề như nặn gốm, chạm khắc gỗ, đúc đồng, viết thư pháp và được tham gia các trò chơi dân gian như đi cà kheo, nhảy sạp, đánh đu Bắc Bộ.

Trong khuôn khổ Festival này, kéo dài tới ngày 29/3/2009, sẽ diễn ra hội thảo “Mỗi làng một nghề”, nhằm làm rõ những điều kiện và tính khả thi của việc phát triển các làng nghề mới; phát triển làng nghề, ngành nghề thủ công mỹ nghệ trên đường công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Tại Festival, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam tổ chức trao chứng nhận Kỷ lục Guiness Việt Nam cho bộ tranh thủ công mỹ nghệ lớn nhất Việt Nam với chủ đề “Đến với Tâm về với Nhẫn” của nghệ nhân Trần Văn Anh ở Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Ban Tổ chức cho biết: đây là lần đầu tiên, Festival làng nghề có quy mô toàn quốc được tổ chức tại Đà Nẵng nhân Lễ hội bắn pháo hoa quốc tế và kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng. Festival Làng nghề Việt nhằm tái hiện không gian các làng nghề truyền thống, đặc sắc của Việt Nam cho du khác thưởng thức.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các làng nghề trao đổi kinh nghiệm và tìm hướng đi cho làng nghề vượt qua giai đoạn khó khăn như hiện nay. Đây cũng là dịp để tuyên truyền người Việt Nam nên dùng các sản phẩm truyền thống của Việt Nam.

Nguồn: website Vietnamplus

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT