Tin tức - Sự kiện

Châu Đốc (An Giang): Thành công với đề án văn minh thương mại

Cập nhật: 26/03/2009 09:03:01
Số lần đọc: 1624
Thị xã Châu Đốc bước vào mùa cao điểm đón du khách, khách hành hương từ các nơi đổ về, dù còn gần hai tháng nữa mới chính thức diễn ra Lễ hội Quốc gia Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam lần thứ IX-2009.

Cảnh tấp nập, đông vui tại các khu mua sắm, ăn uống trên địa bàn thị xã Châu Đốc luôn đem lại sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với  những nhà đầu tư khai thác dịch vụ du lịch, cũng như mang về nguồn doanh thu lớn cho thị xã, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.


Mỗi ngày có khoảng trên 10.000 lượt khách ra vào thị xã; vào những ngày nghỉ cuối tuần, con số này thường tăng gấp đôi, ba lần. Bãi xe thị xã Châu Đốc dành cho du khách đến mua sắm luôn chen kín chỗ với hàng trăm xe đò, xe du lịch đủ loại, chiếc này vừa rời đi lập tức có chiếc khác lui vào lấp đầy khoảng trống, khiến cho lực lượng bảo vệ trật tự khu vực lúc nào cũng tất bật. Từng đoàn khách nối nhau vào chợ mua sắm, thưởng thức các món ngon đặc sản làm cho phố xá thêm sầm uất.


Những thành công ấy, không phải địa phương nào cũng có được. Ngay từ những năm đầu khi Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ  núi Sam được nâng cấp thành lễ hội Quốc gia, lãnh đạo thị xã đã sớm nhận ra điểm mạnh trong nền kinh tế địa phương chính là  khai thác hiệu quả kinh doanh, du lịch. Vì thế, Phòng Kinh tế xây dựng đề án Văn minh Thương mại với những quy chế cụ thể, có sự phối hợp của nhiều ngành, để đem lại một môi trường kinh doanh  lành mạnh, làm nền tảng thu hút đầu tư và hấp dẫn du  khách.


Ngay sau khi đề án ban hành, việc tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ. Những hộ kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đều phải đăng ký thực hiện đề án này như một nghĩa vụ đối với cơ quan quản lý lẫn khách hàng. Bởi  những điều khoản cam kết trong đó như một kim chỉ nam đối với những người buôn bán tử tế, như không bán hàng giả, hàng kém chất lượng; không cân, đong, đo đếm thiếu, không bán quá giá niêm yết và không nói thách … Mặt khác, những hộ kinh doanh hàng thực phẩm ăn uống còn phải có nghĩa vụ đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ, và điều quan trọng nhất là tất cả những người kinh doanh phục vụ khách hàng đều phải có thái độ vui vẻ, ân cần, lịch sự…


Quy định được ban hành ra không phải chỉ trên giấy mực, bởi thị xã đã tổ chức những đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên, sâu sát địa bàn để nắm bắt tình hình cụ thể và kịp thời xử lý những thông tin phản ánh của du khách. Những hộ nào vi phạm lần đầu sẽ bị cảnh cáo, phạt vi phạm hành chính và cho làm cam kết không tái phạm. Nếu vi phạm nhiều lần sẽ tùy theo mức độ nặng nhẹ mà gia tăng mức phạt hoặc rút giấy phép kinh doanh. Chính thái độ dứt khoát nói “không” với những hành vi gian lận, hay ứng xử thiếu văn minh, lịch sự trong hoạt động mua bán mà thị xã Châu Đốc đã tạo ra một môi trường thương mại ổn định, thân thiện với du khách gần xa. Chị Ngọc Ẩn, một khách hành hương đến từ  Long An cho biết, trong 6 năm qua, năm nào chị cũng cùng các chị em thuê xe đò về Châu Đốc hành hương, và đây cũng là dịp để mua sắm ít hàng đặc sản địa phương mang về quê tặng bà con. Nhiều người không đi được cũng gởi chị mua sắm một số mặt hàng, mà họ tin rằng được đảm bảo chất lượng.


Các lực lượng dân phòng, Công an cũng luôn túc trực để làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự, an toàn khu vực đông người . Trung tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Công an phường Châu Phú A cho biết: “Suốt bảy ngày trong tuần, Công an  đều triển khai việc tuần tra, kiểm soát an toàn, trật tự  rất nghiêm túc, nhất là vào cao điểm thứ bảy, chủ nhật anh em càng phải làm việc tích cực hơn. Dù rất mệt nhọc với công việc, nhưng ai nấy đều vui vì giữ  được trật tự và đảm bảo an toàn cho người đi mua sắm”.

Nguồn: An Giang

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT