Nhà cổ Bình Thủy (Cần Thơ): Được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia
Gia tộc họ Dương đến lập nghiệp ở Nam bộ khoảng cuối thế kỷ XVIII, đến nay đã trải qua 6 thế hệ. Nhà thờ họ Dương được xây dựng từ năm 1870 (khoảng đời thứ 3 của dòng họ Dương). Đến những năm đầu của thế kỷ XX, nhà thờ họ Dương được trùng tu lại và tồn tại cho đến ngày nay.
Lâu nay, nhà thờ họ Dương (còn gọi là nhà cổ Bình Thủy hay Vườn lan Bình Thủy) là một trong những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Nguyên thủy, ngôi nhà được xây 5 gian toàn bằng các loại gỗ quí như lim, căm xe, cà chất... Sau 30 năm sử dụng, ngôi nhà được thiết kế lại theo phong cách kết hợp, giao thoa giữa hai lối kiến trúcViệt Pháp kiểu “nội ứng ngoại hợp” tức bên trong ứng với mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông còn bên ngoài hòa hợp với kiến trúc phương Tây. Vào đời thứ năm của dòng họ Dương, ngôi nhà còn là nơi diễn ra những cuộc đàm luận văn thơ của các thi nhân xứ sở Cầm Thi nên nơi đây còn được gọi là Tao Đàn Năm Ngôn hay Tao đàn ông Ngôn.
Đến thăm nhà thờ dòng họ Dương, một trong những cảm giác đầu tiên mà khách cảm nhận được là không khí mát dịu và hài hòa toát lên từ các loại vật liệu xưa và lối kiến trúc mang phong cách Pháp. Với 352 mét vuông, nhà chính của phủ thờ dòng họ Dương được chia làm 3 phần: nhà trước, nhà giữa và nhà sau. Khách đến đây phải bước qua một trong bốn lối tam cấp để lên nhà chính, trong đó hai lối lên thẳng 2 gian ngoài cùng và hai lối hình cánh cung dẫn vào gian giữa. Nhà trước gồm 5 gian, được trang trí theo phong cách châu Âu và để dùng làm nơi tiếp khách. Tại khuôn viên này còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, đẹp và quý hiếm. Sàn nhà được lót bằng gạch bông nhập từ Pháp hàng trăm năm nay vẫn tồn tại, la- phông trang trí hoa văn, treo đèn chùm Tây Âu, các bộ bàn ghế bằng gỗ được chế tác theo kiểu Louis XV. Đặc biệt, tại đây còn có một chậu rửa (lavabo) và một máy hát đĩa cổ của Pháp hiện rất hiếm và có giá trị. Ở vị trí trang trọng nhất của nhà trước là chân dung ông Dương Chấn Kỷ – đời thứ 4 của dòng họ Dương và là người có công phát triển cơ ngơi mạnh mẽ, giàu có và nổi tiếng nhất của dòng họ Dương. Bức chân dung được đúc bằng sành, tráng men được các nghệ nhân Chợ Lớn làm vào khoảng đầu thế kỷ XX.
Nhà giữa và nhà trước được ngăn cách bởi hệ thống bao lam và liên ba gồm nhiều con tiện và ô hộc được chế tác bằng gỗ. Trên hệ thống này là các hoa văn gần gũi với đời sống văn hóa và tinh thần của cộng đồng người Việt ở Nam Bộ như mai, lan, cúc, trúc, gà, tôm, cua, thỏ. Các ô hộc mang nhiều hình thù khác nhau như hình vuông, chữ nhật, hình lục giác chạm khắc nhiều hoa văn tỉ mỉ và tinh xảo...
Nhà giữa cũng gồm 5 gian, 3 gian trong được dùng làm nơi thờ tự. Tại đây, hiện còn các bàn hương án, khán thờ, liễn đối đều bằng gỗ khảm xà cừ. Hai gian bìa dùng để ở được ngăn cách với gian thờ bằng hai hàng tủ gỗ. Nhà sau được sử dụng để tiếp khách nữ, nằm sau vách ngăn bằng gỗ chạy dài từ dưới lên trên trần gồm nhiều ô hộc, con tiện, tranh gốm sứ. Đặc biệt. Nhà thờ dòng họ Dương còn có bộ cột 24 cây làm bằng gỗ căm xe và cà chất cao từ 4 đến 6 mét đặt trên khung đá tảng cổ bồng, các cột kèo được kết nối theo kiểu kèo xuyên trính- một cấu trúc truyền thống ở Nam Bộ.
Ngoài kiến trúc cổ, nhà thờ dòng họ Dương còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ như giường thờ chạm khắc cẩn xà cừ, bộ lư đồng mắt tre, bộ ván ngựa chân quỳ, ghế salon cẩn ốc mặt đá cẩm thạch, 8 bộ đèn treo trong đó có một bộ đèn chùm bạch đăng bằng pha lê thế kỷ XVIII.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, nhà thờ dòng họ Dương đã được nhiều đạo diễn trong và ngoài nước chọn làm bối cảnh để quay nhiều bộ phim như “Người tình”, “Chân trời nơi ấy”, “Công tử Bạc Liêu”...
Qua hàng trăm năm tồn tại với thời gian, mưa nắng, nhà thờ dòng họ Dương hiện nay đã xuống cấp khá nhiều, một số ngói bị trống dột, thấm nước, tường nứt, hệ thống cột kèo bị mối mọt đục khoét... Nhiều năm qua, người dân và chính quyền địa phương, ngành bảo tàng, du lịch tỉnh Hậu Giang (cũ) và TP. Cần Thơ vẫn luôn mong mỏi ngôi nhà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, vì có như vậy mới “danh chính ngôn thuận” đưa vào kế hoạch dự án bảo tồn, trùng tu, tôn tạo...
Với quyết định được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, trong thời gian tới, nhà thờ dòng họ Dương sẽ thoát khỏi nguy cơ xuống cấp và bị hủy hoại với thời gian, phần nào thỏa mãn được tình cảm mong muốn của cán bộ, nhân dân TP. Cần Thơ.