Biểu diễn và giao lưu văn hóa ca trù Hà Nội
Đến đây, du khách sẽ được tìm hiểu về lịch sử gần 1000 năm cũng như các nhạc cụ độc đáo (đàn đáy, trống chầu, phách…) của ca trù trong sự so sánh với các lối hát văn, hát xẩm và thưởng thức những tác phẩm ca trù nổi tiếng như: “Hồng hồng, tuyết tuyết”, “Gặp cô đào cũ” của Tiến sĩ Dương Khuê.
Buổi giao lưu có sự góp mặt của 6 nghệ nhân nổi tiếng ở Hà Nội gồm: nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, Vũ Văn Hồng, Bạch Vân... và một số nhà nghiên cứu, diễn giả về ca trù.
Ca trù có cội nguồn từ lối hát cửa đình - một lối hát tín ngưỡng thờ thần hoàng làng. Lối hát cửa đình từ những ngày đầu được các trưởng tộc, trưởng làng dùng vào việc cầu trời đất, thánh thần. Lấy âm nhạc làm tín hiệu truyền lời thỉnh cầu của dân làng đến các đấng thần linh. Về sau, các bậc vua chúa cũng lấy dòng nhạc này để hát cúng trời đất và tổ tiên nơi thái miếu.
Ca trù tuy có nguồn cội từ lối hát dân gian nhưng khi vào đến chốn cung đình đã được các chuyên gia về âm luật nghiên cứu, chỉnh sửa nên đã trở thành một bộ môn nghệ thuật sâu sắc, có tính thẩm mỹ cao. Thường được dùng trong các dịp yến tiệc, khánh tiết và tiếp đãi sứ thần.
Nhạc sỹ Nguyên Xuân Khoát là người có công đầu tiên trong việc tuyên truyền giá trị nghệ thuật của ca trù, sau đó rồi đến các ông Chu Hà, Trần Tiến...
Năm 1976, Giáo sư Trần Văn Khê ở Pháp về đã tìm và thu băng giọng hát của bà Quách Thị Hồ và đem đi giới thiệu với thế giới. Năm 1978, Hội đồng âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện nghiên cứu Quốc tế về Âm nhạc đã trao bằng danh dự cho bà.
Năm 1977, mới bắt đầu thấy lác đác sống dậy làn điệu ca trù qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1988, tại Liên hoan tiếng hát âm nhạc truyền thống tại Bình Nhưỡng với sự tham gia của 29 quốc gia, băng ghi âm tiếng hát của bà Quách Thị Hồ đã đại diện cho Việt Nam được xếp thứ hạng cao nhất.
Đến năm 1991, với sự nỗ lực của một số đào nương và nghệ nhân, nghệ sỹ, và theo sau đó là một vài câu lạc bộ nhỏ lẻ tiếp bước thế nhưng tất cả đều chỉ dừng lại ở mức độ hoạt động tự phát. Năm 2000, Liên hoan ca trù Hà Nội mở rộng lần thứ nhất được tổ chức với sự tham gia của nghệ nhân 14 tỉnh thành, trong đó có nhiều nghệ nhân đã bỏ nghề cả nửa thế kỷ.
Đến năm 2002 với sự tài trợ của quỹ Ford, Cục nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức được một lớp học trong hai tháng và dạy được ba bài hát. Năm 2005, liên hoan ca trù toàn quốc đầu tiên được tổ chức.
Cũng trong năm 2005, Bộ Văn hóa chỉ đạo Viện âm nhạc Việt Nam hoàn tất hồ sơ về ca trù đề nghị UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể truyền miệng của nhân loại. Sau khi UNESCO thay đổi về tiêu chí, thì đầu năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi hồ sơ đề nghị công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể nguy cơ có thể mất.
Theo tư liệu Hán Nôm thì ca trù xưa có khoảng 99 thể cách, cho đến ngày hôm nay, chúng ta chỉ còn lưu giữ được 26 thể cách và 3 thể cách không được tài liệu Hán Nôm ghi nhận nhưng đã được tư liệu tiếng ghi lại.
Hiện tại, trong nỗ lực duy trì và phát huy lối hát truyền thông mang bản sắc Việt Nam của các nghệ nhân và Chính quyền thành phố, Nhà hát tổ chức biểu diễn ca trù chuyên nghiệp tại Việt Nam, Trung tâm văn hóa ca trù Thăng Long đã được thành lập (25 Tông Đản, Hà Nội) đồng thời với sự phát triển hội viên không ngừng của Bích Câu đạo quán - CLB ca trù Hà Nội, sự mọc lên như nấm sau mưa của các CLB ca trù khác trên địa bàn Hà Nội mở rộng.