Tin tức - Sự kiện

Thửa Thiên-Huế: Phục dựng di tích Hổ quyền bằng công nghệ 3D

Cập nhật: 08/04/2009 11:27:14
Số lần đọc: 1865
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với nhóm chuyên gia thuộc Trường Công nghệ văn hóa sau đại học (thuộc Viện Khoa học công nghệ kỹ thuật cao Hàn Quốc-KAIST) đang tiến hành triển khai dự án  Phục dựng di tích Hổ quyền bằng công nghệ 3D. Đây là một di tích có giá trị đặc biệt và độc đáo không chỉ của Việt Nam.

Những trận đấu giữa voi và hổ có từ thời chúa Nguyễn (1558-1775) với mục đích là tế thần, tế trời. Đến các thời vua Nguyễn, các trận đấu giữa voi và cọp được xem là lễ hội của triều đình, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Thời Gia Long, các trận đấu được tổ chức ngay trên bãi đất  trống trước mặt Kinh thành. Phòng thành được kết bằng “sức người” và đã có không ít tai nạn thương tâm xảy ra khi thú dữ trong lúc “say máu” bất ngờ tấn công “phòng thành” là những binh sĩ. Năm 1830, để đảm bảo an toàn cho người xem, vua Minh Mạng đã cho xây dựng Hổ quyền  tại thôn Trường Đá, xã Thuỷ Biểu ( gần Điện Long Châu, cách  Kinh thành Huế 4 km). Đây là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn. Vòng tường bên trong cao  5,90m và vòng tường ở bên ngoài cao 4,75m, có khuynh độ 1/10, chúc đầu vào nhau, ôm chặt lấy mô đất ở giữa. Chu vi tường ngoài Hổ quyền là 145m, đường  kính lòng chảo là 44 m. Khán đài của vua ngồi ở mặt Bắc của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Bên trái khán đài là hệ thống tam cấp  gồm 24 cấp dành cho vua và các đại thần. Bên phải khán đài là hệ thống bậc  cấp khác dành cho các quan và binh sĩ. Từ  vị trí này nhìn về phía đối diện sẽ thấy 5 chuồng cọp và một cửa lớn dành cho voi ra vào chiến đấu.  Thông thường, mỗi năm tổ chức một trận. Nhưng tuỳ sở thích của mỗi ông vua, có năm tổ chức 2-3  trận ; cũng có khi 2-3 năm mới tổ chức 1 trận. Trận đấu cuối cùng tại Hổ quyền diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. 

Được so sánh với trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại- Coloseum, Hổ  quyền là di tích có giá trị độc đáo. Tuy bị tàn phá, xuống cấp, nhưng di tích này vẫn còn khá nguyên vẹn.

Xác định Hổ quyền  là một  trong “điểm đến” của du khách trong mùa Fesstival Huế 2010, cùng với việc đầu  tư, tôn tạo khu di tích này, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tiến hành triển khai việc phục dựng Hổ quyền bằng công nghệ 3D.  Để làm việc này, nhóm thực hiện dự án phải tiến hành lập dữ liệu quét chính xác, quay phim, thu thập tư liệu về Hổ quyền nhằm phục dựng không gian kiến trúc và cảnh quan Hổ quyền cùng khu vực xung quanh bằng kỹ thuật 3D để làm cứ liệu phục vụ công tác nghiên cứu sau này. Mặt khác, từ những dữ liệu có được, nhóm dự án tiến hành làm 10 phút phim tái hiện không gian kiến trúc Hổ quyền, trong đó  điểm nhấn là trận đấu sinh tử giữa voi và hổ được phục dựng theo kỹ xảo điện ảnh. Xem trận chiến này là  vua,  các quan đại thần, binh sĩ... triều Nguyễn  do diễn viên đóng và được lồng ghép vào phim. Ông  Jaehong Ahn, nhà nghiên cứu thuộc Viện KAIST, Phó trưởng nhóm chuyên gia Hàn Quốc, cho biết bộ phim  sử dụng công nghệ kỹ thuật quét mới. Khi xem, khán giả sẽ đeo một chiếc kính để thấy những hình ảnh sống động như thật hiện ra ngay trước mắt mình. Nói cách khác, khán giả sẽ có cảm giác đang trực tiếp tham gia  xem trận đấu giữa voi và hổ trong một không gian 3 chiều sống động. Đây là dự án phục dựng bằng công nghệ 3D thứ hai tại Huế, sau Dự án phục dựng di tích Hoàng thành Huế do Viện KAIST tài trợ.

Theo kế hoạch, dự án phục dựng di tích Hổ quyền sẽ được hoàn thành vào đầu tháng 6/2009 và sẽ chiếu phục vụ du khách đến thăm di tích Hổ quyền trong năm 2010.

Nguồn: website SK&ĐS

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT