Non nước Việt Nam

Festival làng nghề Huế và tham vọng tái trưng tập nghệ nhân

Cập nhật: 09/04/2009 10:04:10
Số lần đọc: 2060
Ông Nguyễn Duy Hiền – Giám đốc Trung tâm Festival Huế nói: “Việc thành phố Huế tổ chức festival nghề vào các năm lẻ như lâu nay không phải là những cuộc trình diễn nghề. Cái mà chúng tôi đang hướng đến là tham vọng làm những cuộc tái trưng tập các nghệ nhân về Huế...”.
 
 
Gốm, sơn mài và pháp lam

Những ngày này, thành phố Huế đang hối hả chuẩn bị cho festival Nghề truyền thống lần thứ 3 năm 2009 (từ ngày 12 đến 14. 6.2009) với chủ đề “Nghề truyền thống - bản sắc và phát triển”, gồm 3 nghề: Gốm sứ, sơn mài, pháp lam.

Theo thông tin từ Ban tổ chức đến nay đã  khẳng định được các nghệ nhân và làng nghề gốm sứ, sơn mài, pháp lam ở Huế và trên cả nước đăng ký tham dự, gồm: (Chu Đậu - Hải Dương; Bát Tràng, Nhung - Hà Nội; Phù Lãng - Bắc Ninh; Hạ Thái - Hà Nội; Thổ Hà - Bắc Giang; Biên Hoà, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh; Bàu Trúc -Ninh Thuận; Gọ - Bình Thuận; Gò Sành - Bình Định; Thanh Hà - Hội An; Châu Ổ - Quảng Ngãi...).

Festival còn có mặt các nhà sưu tầm cổ vật trong cả nước từ Hà Nội, Thanh Hoá, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Tuy Hoà, Đà Nẵng, Bình Định, Huế...với các cổ vật gốm sứ, sơn mài, pháp lam độc đáo từ nhiều niên đại, trong đó có nhiều cổ vật quí hiếm được xem là bảo vật.

Lần đầu tiên các cổ vật quý hiếm sẽ được trưng bày và phô diễn bằng các triển lãm “Bộ sưu tập đồ sứ ký kiểu và bộ sưu tập pháp lam”; “Bộ sưu tập các cổ vật Cung đình”; “Chuyện kể từ kho báu dưới lòng sông”; “Dặm dài đất nước qua những cổ vật”. Triển lãm tranh sơn mài của cố hoạ sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, các cuộc triển lãm sơn mài của các nghệ sĩ Huế, Hà Nội; Ảnh tư liệu và nghệ thuật “Cây cầu, dòng sông” của các tác giả Pháp và Huế.


Gốm trục vớt dưới dòng sông Hương.

Lễ hội còn có nhiều chương trình nghệ thuật và chương trình hỗ trợ với sự tham gia của các nghệ sĩ Huế, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Chương trình khai mạc đầy sắc màu và ấn tượng trong không gian lãng mạn của cầu Trường Tiền, Sông Hương. Chương trình bế mạc là đêm hội lung linh với lễ rước tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề diễn ra trên đường phố Huế...

Đặc biệt năm nay, không gian tôn vinh nghệ nhân và làng nghề không tổ chức trong khuôn viên trường Hai Bà Trưng như mọi năm mà được trải dài dọc bờ sông Hương với những hoạt động nghề sống động, các nghệ nhân sẽ giới thiệu sản phẩm, giao lưu với khách tham quan và thao diễn sản xuất, sáng tạo.

Không phải chỉ là trình diễn nghề...

 
Festival nghề 2009 còn có hội thảo “Nghề và làng nghề truyền thống Huế, tiềm năng và những trở lực phát triển” với sự tham gia tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các nghệ nhân nhằm đánh giá sâu tiềm năng, thực trạng, những trở lực và triển vọng cho sự phát triển của nghề và làng nghề truyền thống của một vùng đất vốn là xứ kinh kỳ.

Đặc biệt, lần đầu tiên Hội chợ Triển lãm Làng nghề Việt Nam được tổ chức tại Huế với các hoạt động trưng bày và bán sản phẩm làng nghề, trưng bày chuyên đề “Không gian văn hoá Tre Việt”, hội thảo xúc tiến thương mại và các hoạt động nghệ thuật dân gian 3 miền ở công viên Thương Bạc từ 10 đến 14-6-2009.

Festival nghề truyền thống Huế đã được tổ chức đến lần thứ 3, và đã xuất hiện không ít ý kiến nghi ngờ về tính hiệu quả của lễ hội, nhất là khía cạnh khôi phục các làng nghề đang mai một và thu hút khách du lịch đến Huế.

Theo ông Nguyễn Duy Hiền – Giám đốc Trung tâm festival Huế, đơn vị phối hợp với thành phố Huế tổ chức festival nghề năm 2009, quan điểm cho rằng việc tổ chức các festival nghề “không có tác động tích cực tới các làng nghề trên địa bàn tỉnh TT-Huế” là không chính xác. Bằng chứng là sau khi tổ chức festival nghề nón, thêu vào năm 2005, sau đó hai nghề này đã có những chuyển biến đáng kinh ngạc. Mới đây, Sở KHCN tỉnh TT-Huế đã làm một đề tài khoa học về nón Huế, cũng như lập dự án trồng lá nón để phát triển nghề nón và làm tour phục vụ du lịch.

Hay như trước đây, Huế chỉ còn tồn tại nghề bán vàng, còn nghề làm kim hoàn mỹ nghệ gần như biến mất, tuy nhiên, sau festival nghề kim hoàn và đúc đồng vào năm 2007, nghề kim hoàn ở Huế đã phát triển trở lại, tiêu biểu là nghề đậu của gia đình ông Nguyễn Hữu Nhơn, hay, khu “Tịnh Tâm Kim Cổ” của Duy Mong với các hoạt động du lịch trình diễn nghề.

Rồi nghề mộc Mỹ Xuyên ở xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, cũng nhờ festival nghề 2007 mà từ chỗ suy tàn, ngắc ngoải đã hồi sinh, trở thành một trong những địa chỉ mộc nổi tiếng không chỉ ở trong nước như hiện nay...

 
Festival làng nghề truyền thống Huế được tổ chức vào các năm lẻ, bắt đầu từ năm 2005 với các nghề: Thêu, nón lá; năm 2007 với: Chạm khắc, đúc đồng, kim hoàn.

Festival nghề năm nay với các nghề: Gốm sứ, pháp lam, sớn mài, còn gắn với sự kiện 110 năm cầu Trường Tiền và Chợ Đông Ba được xây dựng ở địa điểm hiện nay.

Ông Nguyễn Duy Hiền khẳng định: “Chúng tôi tổ chức festival nghề không phải để trình diễn, mà nhằm tôn vinh và thúc đẩy nghề phát triển. Trước đây trong lịch sử, triều Nguyễn đã không ít lần trưng tập tất cả những nghệ nhân giỏi nhất của toàn quốc về Huế để xây dựng làng nghề và phục vụ cho vương triều. Bây giờ, chúng tôi lại có tham vọng làm những cuộc tái trưng tập các nghệ nhân về Huế thông qua việc tổ chức festival nghề vào các năm lẻ để góp phần, làm nên sức sống mới cho quần thể di tích Huế đồng thời thu hút khách du lịch”.

Theo ông Hiền, đó mới là mục tiêu sâu xa nhất của việc tổ chức festival nghề. Trên thực tế, việc “tái trưng tập nghệ nhân” về Huế đã được thực hiện trong nhiều năm qua, và đã thu được những kết quả rất khả quan. Điển hình là việc nghệ nhân Trịnh Bách phục dựng trang phục vua chúa thời Nguyễn; Trung tâm BTDTCĐ Huế phục chế, sản xuất thành công ngói lưu ly và pháp lam...
Nguồn: Báo Nhân dân

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT