Non nước Việt Nam

Hoa ban: Biểu tượng vùng văn hóa Tây Bắc

Cập nhật: 01/04/2009 14:31:15
Số lần đọc: 1962
Theo lời kể của các cụ già người Thái, mùa hoa ban nở, các cô gái Thái đeo ếp trên vai, rủ nhau lên rừng từ lúc mờ sương để hái hoa ban về làm món nộm chua tặng người yêu. Khi người con gái chạm vào bông hoa đầu tiên phải cài lên búi tóc “Khót phôm táng lăng”, nghĩa là búi tóc đằng sau thể hiện chưa có chồng, còn trinh trắng.

Mặt khác, người con gái còn ước nhiều điều may mắn, mong năm sau hoa ban lại nở trắng núi rừng. Khi đã cài xong bông hoa trên búi tóc, các cô gái vừa hái hoa ban vừa hát “Trăm năm ngắm ban nở còn ngắm mãi. Mỗi mùa ban lại trẻ ra không già...”

Đồng bào Thái thường dùng hoa ban để trang trí trong các hội thi ẩm thực, làm các món ăn bằng hoa ban và lá ban, đó là món khoái khẩu đối với những người sành rượu. Để giữ vị ngọt và hương thơm, đồng bào Thái thường đồ hoa ban như kiểu đồ xôi trong vòng 15 – 20 phút. Nước chấm làm bằng quả nhót chín, nướng sém vỏ, bỏ hạt, cùng với ớt nướng, tỏi, rau mùi, giã nhỏ, trộn cùng bột canh, mì chính, cho thêm nước đun sôi để nguội. Bát nước chấm có vị chua, màu đỏ của quả nhót, mùi gia vị đặc trưng quyến rũ, càng tăng thêm sức hấp dẫn nơi vị giác cho người thưởng thức món hoa ban.

Đồng bào dân tộc Thái có nhiều truyền thuyết về hoa ban. Chuyến đi công tác cơ sở tại bản Hới, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo, chúng tôi được nghe các già bản kể nhiều câu chuyện về sự tích hoa ban; về tình yêu chung thủy của đôi trai gái dân tộc Thái: Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khun, đem lòng yêu một cô gái tên là Ban. Khun dáng vóc to cao, đẹp trai, nhanh nhẹn vừa giỏi làm nương lại có tài săn bắn, nhưng gia đình chàng lại rất nghèo. Nàng Ban tóc đen, môi đỏ, da trắng như cánh ban rừng, có giọng hát ngọt ngào, khéo tay dệt vải làm say đắm nhiều chàng trai trong bản. Những đêm trăng sáng, các chàng trai trong bản thường đem pí ra thổi thay lời tỏ tình. Nhưng chỉ có tiếng sáo của chàng Khun là ngọt ngào, trong sáng, làm say lòng nàng Ban, rồi hai người yêu nhau.

Nhưng cha của nàng Ban lại thích gả nàng cho con trai nhà tạo bản giàu có, chàng trai tạo bản vốn lười nhác, thích ăn chơi, đua đòi lại có tật gù lưng. Biết được ý định của người cha, nàng Ban chạy đến nhà Khun để rủ chàng đi khỏi bản, nhưng không may, chàng Khun theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn buộc chiếc khăn piêu lên đầu cầu thang nhà người yêu rồi băng rừng, lội suối đi tìm chàng. Nàng đi hết 3 mùa trăng lên, 3 mùa lúa chín, gọi tên chàng đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy, nàng Ban kiệt sức qua đời. Nơi nàng nằm xuống mọc lên cây hoa mang búp trắng, chẳng bao lâu, cây hoa ấy mọc trắng núi rừng Tây Bắc. Hàng năm, mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông, người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban. Chàng Khun về đến nhà thấy chiếc khăn piêu của nàng Ban buộc nơi cầu thang, biết là chuyện chẳng lành bèn vội vã đi tìm người yêu. Chàng đi hết mường này, bản khác vẫn không tìm thấy nàng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết chàng biến thành con chim sống lẻ loi trong rừng và cứ đến mùa hoa ban nở lại hót vang núi rừng như tiếng gọi người yêu tha thiết tự năm nào.

Hoa ban đã đi vào thơ, ca, nhiếp ảnh, trở thành biểu tượng đặc trưng của vùng văn hóa Tây Bắc. Các nhà thơ, nghệ sỹ nhiếp ảnh, nhạc sỹ cùng khách du lịch hàng năm thường lên Tây Bắc nói chung, Điện Biên nói riêng vào mùa hoa ban nở để vui chơi, thưởng lãm và sáng tạo tác phẩm.

Nguồn: website báo ĐBP

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT