Non nước Việt Nam

Lễ hội rước chúa gái ở Phú Thọ

Cập nhật: 01/04/2009 09:08:35
Số lần đọc: 1894
Thời phong kiến nhân dân hai làng Vi và Trẹo (nay là khu 3 và khu 7 thuộc thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao) ngoài những nghi lễ cầu tế hàng năm ở các đền trên núi Nghĩa Lĩnh và trong ngôi đình Cả (đình chung của hai làng được dựng trên đất làng Vi) họ còn tổ chức lễ hội rước chúa gái và diễn trò theo các tích xưa.

Lễ hội rước chúa gái chính là diễn lại cảnh đưa công chúa Ngọc Hoa về nhà chồng hay còn gọi là tích Tản Viên đón vợ. Hàng năm đến ngày 25 tháng chạp (tháng 12 âm lịch) cả hai làng đều cử ông từ lên làm lễ mở cửa đền (đền Hạ và đền Trung). Sau khi làm lễ trên núi xong cả hai làng về đình Cả bàn nhau ngày mở hội rước chúa gái. Lễ hội rước chúa gái thường được tổ chức vào ngày 7- 8 tháng giêng. Rước chúa gái là một lễ hội được mọi người tôn trọng và sùng bái. Vì vậy số người xem rước không chỉ là dân làng Vi-Trẹo mà còn có nhiều khách thập phương tới dự hội. Bởi vậy từ xưa đã truyền tụng câu: “Vui nhất là hội chùa Thầy. Vui thì vui thật không tày hội He” (He là tên tục xưa của hai làng Vi-Trẹo).

Lễ hội rước chúa gái chính là hình thức nguyên sơ của lễ hội Đền Hùng trước cách mạng tháng Tám. Tuy nhiên, trải qua thời gian, lễ hội rước chúa gái đã bị mai một, thất truyền. Nhằm phát huy những giá trị văn hóa dân gian truyền thống, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại địa phương; từng bước phục dựng và xây dựng lễ hội rước chúa gái trở thành một điểm tham quan du lịch phục vụ du khách thập phương trong nước và quốc tế khi hành hương về thăm viếng mộ Tổ Hùng Vương- lễ hội Đền Hùng vào dịp tháng 3 (âm lịch) hàng năm, từ năm 1992 lễ hội rước chúa gái đã được khôi phục theo đúng nghi lễ dân gian được nhân dân gìn giữ từ lâu đời. Nhưng do điều kiện kinh phí nên hàng năm nhân dân hai làng chỉ tổ chức tế lễ với qui mô nhỏ. Năm nay, theo kế hoạch của UBND huyện Lâm Thao “về việc tổ chức các hoạt động văn hóa thông tin của huyện tham gia chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2009”, lễ hội rước chúa gái của hai làng Vi- Trẹo  được tổ chức với qui mô lớn nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của nhân dân vùng đất Tổ với du khách về thăm viếng Đền Hùng, nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương và tham dự chương trình du lịch về miền lễ hội cội nguồn dân tộc. Để chuẩn bị cho lễ rước chúa gái, nhân dân làng Vi - Trẹo đã phối hợp tổ chức lễ hội và chuẩn bị cơ sở, vật chất, điều kiện cần thiết cho lễ hội: Kiệu rước (1 kiệu văn rước sắc, 1 kiệu bát cống rước lễ vật, 1 long kiệu rước chúa gái); trang phục (cờ, trống khẩu, trống cái, chiêng, nón dấu, dây vải, thắt lưng, quần áo, voi ngựa, gươm kiếm, tán tàn lọng...). Làng Vi đã tiền hành tuyển chọn chúa gái theo tiêu chuẩn: Chọn con gái xinh đẹp, chưa có chồng tuổi từ 18- 25, phải đảm bảo tứ đức “công dung ngôn hạnh”, con nhà nền nếp gia phong, bố mẹ song toàn, gia đình không có tang và phải được nhân dân đồng tình. Tham gia đoàn rước chúa gái sẽ có khoảng 170 - 200 người, ngoài ra còn có nhân dân hai làng và nhân dân các địa phương khác. Trong ngày rước chúa gái sẽ có những trò diễn như: Lấy tiếng hú, săn lợn chạy đích, tế sóc và trình voi ngựa, chạy tùng rí, lễ hạ điền, trò bách nghệ khôi hài...Cả hai làng đã huy động nhân dân tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm và địa điểm tổ chức lễ hội.

 

Việc tổ chức lễ hội là hoạt động mang tính cộng đồng vì vậy việc tổ chức lễ hội đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, mang tính xã hội hóa cao và phải phát huy được giá trị văn hóa truyền thống; đánh giá và giới thiệu được nét độc đáo, đặc sắc hoạt động văn hoá dân gian của địa phương- nơi cội nguồn đất Tổ”. Việc khôi phục lại lễ hội rước chúa gái đã đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân. Bởi đó là một hình thức để nhân dân tỏ lòng nhớ ơn và tôn vinh bà chúa-người đã có công dạy dân cấy lúa, đắp đê trị vì thủy lợi đem lại cuộc sống no ấm cho họ”.

Nguồn: website báo Phú Thọ

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT