Non nước Việt Nam

Nhà hát Duyệt Thị Đường, công trình kiến trúc độc đáo và cổ nhất Việt Nam

Cập nhật: 09/04/2009 13:34:23
Số lần đọc: 2007
Không chỉ có kiến trúc độc đáo, Duyệt Thị Đường, nhà hát có tuổi đời lâu nhất nước ta vẫn thu hút khách tham quan khi đến thăm cố đô Huế. Tại đây, tiếng nhạc rộn ràng vẫn vang lên và loại hình nghệ thuật Nhã nhạc cung đình Huế, Di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vẫn có cơ hội được tái hiện.

Du khách đến Huế ngoài thăm thú đền đài lăng tẩm, ai cũng háo hức được thưởng thức Nhã nhạc, nét tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam trong khung cảnh cung đình Huế xưa. Đáp ứng nhu cầu chính đáng ấy, nhà hát Duyệt Thị Đường sau một thời gian trùng tu, tôn tạo đã mở cửa đón khách.

Duyệt Thị Đường là một trong bốn nhà hát được xây dựng dưới thời các vua Nguyễn, gồm Duyệt Thị Đường xây dựng năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng; nhà hát Tịnh Quan Viên xây dựng năm 1843 dưới thời vua Thiệu Trị; nhà hát Minh Khiêm Dường xây dựng năm 1865 dưới thời vua Tự Đức; nhà hát Cửu Tư Đài xây dựng năm 1917, thời vua Khải Định. Như vậy, Duyệt Thị Đường đã có gần 200 năm tuổi, được coi là nhà hát cổ nhất ở nước ta còn tồn tại đến ngày nay. Đây không chỉ là nơi tấu nhạc cung đình, mà còn trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật khác như, tuồng, kịch hát, ca Huế theo yêu cầu và sở thích của nhà vua. Mặc dù sau này còn có thêm ba nhà hát nữa được xây dựng, nhưng Duyệt Thị Đường vẫn được các vua Nguyễn kế tiếp nhau tu bổ, tôn tạo để làm nơi trình diễn các loại hình nghệ thuật, nơi biểu diễn chiêu đãi sứ thần các nước khi đến Việt Nam. Đây không chỉ là sân khấu trình diễn mà còn là công trình kiến trúc độc đáo thể hiện trình độ nghệ thuật cao của kiến trúc xây dựng thời nhà Nguyễn.

Sau khi chế độ phong kiến nhà Nguyễn sụp đổ, Duyệt Thị Đường bị rơi vào quên lãng. Những năm đầu của thập niên 1960, Duyệt Thị Đường được chính quyền Sài Gòn tu sửa thành học đường của Trường Quốc gia âm nhạc Huế. Nhiều chi tiết công trình của nhà hát cổ bị phá bỏ, cấu trúc nhà hát cũng bị thay đổi, không còn chỗ cho ngự lãm và biễu diễn. Những năm sau giải phóng, công trình văn hoá này không được quan tâm tu tạo kịp thời, sự tàn phá của thời gian và chiến tranh cộng thêm sự thiếu ý thức của con người đã làm Duyệt Thị Đường gần như trở thành phế tích.

Năm 1995, được sự trợ giúp tích cực của Chính phủ Pháp, sau khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hoá thế giới, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mới đầu tư trùng tu với kinh phí ban đầu 10 tỷ đồng và đến cuối tháng 11/2003, công trình mới cơ bản hoàn thành. Tuy không phục hồi được như nguyên trạng nhưng Duyệt Thị Đường đã hồi sinh trở lại với mái ngói lưu ly, cột sơn son thiếp vàng, sân khấu, hậu trường, khán phòng mang dáng xưa. Hiện, Duyệt Thị Đường là nơi trình diễn Nhã nhạc, ca Huế của Đoàn nghệ thuật cung đình Huế. Bình quân mỗi ngày có 4 suất diễn, mỗi tháng có hơn 2.500 lượt khách đến Duyệt Thị Đường để thưởng thức nghệ thuật, trong đó đa phần là du khách quốc tế. Đặc biệt trong các kỳ Festival Huế, nơi đây trở thành tâm điểm thu hút du khách quốc tế, các suất diễn luôn không còn chỗ trống. Ngoài sự lôi cuốn hấp dẫn của Nhã nhạc, du khách đến đây còn bởi sự tò mò muốn biết diện mạo của nhà hát cổ nhất Việt Nam như thế nào. Có lẽ, đây cũng chính là nét đặc sắc của Duyệt Thị Đường đối với du khách trong và ngoài nước.

Nguồn: KTNT

Cùng chuyên mục

TIN NỔI BẬT