Lễ hội mừng nhà rông mới của dân tộc Gia Rai, Kon Tum
Từ mấy ngày trước, các già làng đã tập trung bàn bạc công việc chuẩn bị cho lễ hội. Nghi thức đầu tiên là chọn vị trí trồng cây nêu. Họ chọn một ghè rượu nhỏ và cắt tiết một con gà trống cúng báo với Giàng, xin phép mở hội. Bát tiết gà hòa rượu cúng là vật thiêng, nên phụ nữ, con trẻ không được đụng vào. Các già làng đem bát tiết ra vị trí dựng nêu. Làng dựng hai cây nêu, một để buộc trâu còn một để buộc dê, cả hai đều là con đực mầu đen. Mỗi cột nêu còn trồng một cây Pơ lang (cây hoa gạo) tượng trưng cho sự trường tồn của cộng đồng.
Già làng A Zui, chủ lễ, cầm bát tiết gà đưa quanh cây nêu lớn năm vòng: ba vòng từ phải qua trái, hai vòng từ trái qua phải. Theo quan niệm của họ, ngược chiều kim đồng hồ là chiều lặn của mặt trời, chiều đến với ông bà tổ tiên, còn xuôi chiều kim đồng hồ là chiều vận động bất tận của mặt trời.
Trong khi hành lễ, họ kiêng tránh để bát tiết gà bị đổ, do họ sợ rằng dân làng sẽ gặp những điều không hay. Cây nêu là một công trình nghệ thuật tổng hợp, chỉ dùng tre, gỗ kết hợp điêu khắc và hội họa, trang trí mầu đen, đỏ, trắng được lấy từ than củi, đất, đôi khi từ máu các con vật hiến sinh. Trên thân cây nêu có các hình trang trí như hình mặt trời, tay thần, cây rau dớn, hoa văn kỷ hà. Dựng xong cây nêu, trai tráng dưới sự điều khiển của già làng buộc trâu, dê vào thòng lọng. Trâu và dê là vật cúng thần nên thòng lọng cũng được làm rất công phu. Họ giết một con heo nhỏ để báo với Giàng việc này. Sau đó các cô gái làng tập trung chế biến rau rừng thành nhiều món ăn độc đáo. Cánh đàn ông thì chuẩn bị một ghè rượu thiêng.
Lúc này tiếng chiêng cồng bắt đầu nổi lên trầm hùng cùng những vòng múa xoang của các cô gái. Bài cồng chiêng thứ nhất mang ý nghĩa mừng nhà rông mới và mời các thần linh về chứng kiến lễ ăn trâu của dân làng. Bài thứ hai mời ông bà tổ tiên, còn bài thứ ba mời bà con xa gần về dự hội.
Sau đó họ tiến hành một thủ tục tâm linh gọi là prế prang. Già làng dùng một sợi dây dài, buộc một đầu vào gốc nêu, dây được kéo dài ra. Sau hiệu lệnh của ông, tất cả già trẻ trai gái đều cầm tay vào sợi dây. Vài phút sau đầu dây được chuyển từ cột nêu buộc trâu sang cột buộc dê.
Các già làng giải thích rằng, dân làng quá đông, không đủ chỗ cho tất cả mọi người cùng lúc sờ vào cột nêu nên phải nối dây dài ra, vì đó là "sợi dây thông linh" để dân làng tiễn vật hiến sinh và báo với Giàng họ đã góp công sức tiền của vào việc tổ chức lễ hội và cầu mong Giàng ban phúc. Già làng
A Zui đứng bên cây nêu buộc trâu, cao giọng khấn: "Thưa Giàng, dân làng đã làm được nhà rông mới đẹp rồi đấy. Hôm nay, làng mở hội ăn trâu mừng nhà rông mới, mời Giàng về chung vui, ban cho con người sức khỏe, cho con trâu, con bò, con heo mau lớn, thóc lúa đầy kho, ruộng rẫy đầy mỳ bắp, mọi hận thù tan biến !".
Mỗi người được chia một miếng gan heo để bôi lên cổ để trị bệnh và tránh rủi ro. Làng mổ thêm một con heo, các gia đình cùng góp thêm rượu thịt, cùng ăn uống vui vẻ. Ðêm đầu của lễ hội, hầu như cả làng không ngủ, tập trung quanh nhà rông tâm tình và ăn uống.
10 giờ sáng hôm sau đội cồng chiêng đánh một vòng quanh nhà rông rồi đến thăm từng nhà. Các gia đình biếu lại họ gà, rượu, bầu bí... Sau đó những người đàn ông đại diện cho các gia đình mang theo mỗi người một nắm gạo. Số gạo góp này được coi là gạo thiêng, được già làng rắc lên lưng trâu với ý nghĩa tiễn đưa vật hiến sinh về với Giàng. Trong tiếng chiêng rộn rã, mấy thanh niên khỏe mạnh, tay cầm giáo, tay cầm khiên bước ra. Họ múa điệu múa chiến trận thật khỏe khoắn quanh cột buộc trâu trong tiếng hò reo đầy phấn khích của dân làng. Ðây cũng là lúc nghi lễ đâm trâu. Sau đó dân làng cắt đuôi trâu treo lên cây nêu. Thịt trâu được thui và chia đều cho mọi gia đình. Con dê cũng được hiến tế ngay sau đó.
Cúng xong ở nhà rông, một lần nữa sợi dây thông linh lại được giăng ra để dân làng báo với Giàng rằng mọi việc đã hoàn tất. Sang ngày thứ ba của lễ hội, đầu trâu được mang lên nhà rông. Một thanh niên cẩn thận lột da và thịt khỏi đầu trâu, riêng lưỡi và óc con vật được băm nhuyễn, trộn đều rồi gói trong lá rừng đem nướng để mang lên nhà rông làm lễ cúng Giàng, xin phép từ nay nhà rông sẽ được đưa vào sử dụng.
Lễ hội kết thúc khi xương đầu trâu được gác lên một góc cao trong nhà rông. Sau đó, các già làng ngồi lại với nhau rút kinh nghiệm về việc tổ chức lễ hội, kiểm xem có ai ở xa hay ốm đau không về được thì bàn cách giúp đỡ. Chính vì vậy, sau lễ ăn trâu mừng nhà rông mới, sức mạnh đoàn kết cộng đồng của dân tộc Gia Rai như được củng cố và có thêm một sức sống mới. Lễ hội mừng nhà rông mới là một trong nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Gia Rai, được bảo tồn qua nhiều thăng trầm của lịch sử, và phổ biến trong đời sống người dân Tây Nguyên hôm nay.